Sáng 29-4, Bộ GT-VT phối hợp với UBND các tỉnh Thanh Hoá và Bình Thuận đã tổ chức khánh thành và thông xe 2 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Buổi lễ được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu gồm điểm cầu chính tại nút giao Phan Thiết, xã Hàm Kiệm, H.Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (thuộc đoạn Phan Thiết – Dầu Giây) và điểm cầu tại phía Nam hầm Thung Thi, xã Hà Lĩnh, H.Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá (thuộc đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45).

Tại điểm cầu chính nút giao Phan Thiết, buổi lễ có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hoá có sự tham dự của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương. Tại điểm cầu chính còn có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Thị Bích Hằng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh.

Hai dự án thành phần Mai Sơn – quốc lộ 45, Phan Thiết – Dầu Giây có tổng chiều dài hơn 160 km. Trong đó, dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có chiều dài tuyến khoảng 99 km đi qua các tỉnh: Bình Thuận (chiều dài hơn 47,5km) và tỉnh Đồng Nai (chiều dài hơn 51km).

Dự án có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh, tỉnh Bình Thuận (điểm cuối dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết); điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (thuộc xã Lộ 25, H.Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Đường cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A vận tốc thiết kế 120km/h.

Phân kỳ giai đoạn 1, dự án được đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe lưu thông 2 chiều và 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 12,5 ngàn tỷ đồng.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên quốc lộ 1. Giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực miền Đông Nam bộ và Duyên hải Nam Trung bộ cũng như từ Bắc vào Nam.

Dự án còn góp phần tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chính thức tuyên bố khánh thành các dự án.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây là những đoạn tuyến quan trọng, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, thuận lợi, an toàn giữa Bình Thuận – TP.HCM, giữa Hà Nội – Ninh Bình – Thanh Hóa và các địa phương khác, kết nối giữa thủ đô Hà Nội và khu vực miền Trung, TP.HCM với khu vực miền Trung.

Việc đưa vào khai thác thời điểm này càng ý nghĩa hơn khi nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng cao dịp nghỉ lễ. “Chúng ta đã vượt nắng, thắng mưa, vượt qua đại dịch, thắng bão giá, vượt lên chính mình với quyết tâm cao nhất, cố gắng lớn nhất, nỗ lực và quyết liệt hành động để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”- Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá chiến lược của Đảng và nhà nước ta. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội.

Ngay sau khi Lễ khánh thành kết thúc, các lực lượng chức năng sẽ tổ chức giao thông, hướng dẫn, phân luồng giao thông để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Nguồn: Báo Đồng Nai

Liên quan