Một trong những đột phá chiến lược của Long An là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đi trước một bước trong phát triển kinh tế.

Hạ tầng giao thông – động lực phát triển

Long An có vị trí chiến lược, liền kề TP.HCM, đóng vai trò là cửa ngõ giao thoa giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và vùng Đông Nam Bộ; có đường biên giới với Campuchia, thuận lợi cho phát triển kinh tế biên mậu. Tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá, phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến vùng ĐBSCL.

Long An tập trung phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ

Theo ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Long An, với phương châm “Hạ tầng giao thông – động lực cho phát triển”, thời gian qua, Long An đã và đang triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng, nhằm tạo ra một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối liên vùng, liên tỉnh mang tính chiến lược. Lợi ích từ các dự án đã khai thông những điểm nghẽn về hệ thống vận tải, logistics, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh về thu hút đầu tư so với các địa phương khác trong cả nước, phục vụ phát triển công nghiệp, tạo bước đột phá lớn về kinh tế của địa phương, giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, một trong những đột phá chiến lược của tỉnh trong giai đoạn hiện nay là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đi trước một bước trong phát triển kinh tế.

Theo đó, tỉnh xác định đầu tư 3 công trình giao thông trọng điểm gồm: đường vành đai TP. Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây (đoạn còn lại); đường tỉnh ĐT 827E (giải phóng mặt bằng đoạn từ đầu tuyến đến sông Vàm Cỏ Đông); ĐT 830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT 830).

3 công trình trọng điểm tại Long An đã triển khai đến đâu?

Tổng nhu cầu vốn giải phóng mặt bằng đối với 3 công trình trọng điểm ước tính khoảng 14.772 tỷ đồng. Trong đó, đường vành đai TP. Tân An khoảng 250 tỷ đồng; đường tỉnh 830E khoảng 2.494 tỷ đồng; đường tỉnh 827E, đoạn ranh TP.HCM đến sông Vàm Cỏ Đông ước tính 7.676 tỷ đồng, đoạn từ Vàm Cỏ Đông đến đường tỉnh 827B ước tính 4.352 tỷ đồng.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư dành cho xây dựng các công trình trọng điểm ước tính khoảng 3.161 tỷ đồng. Trong đó, đường vành đai TP. Tân An khoảng 738 tỷ đồng; đường tỉnh 830E khoảng 1.213 tỷ đồng; đường tỉnh 827E, đoạn ranh TP.HCM đến sông Vàm Cỏ Đông ước tính 1.210 tỷ đồng, các đoạn còn lại thuộc phạm vi cầu và doanh nghiệp đầu tư.

Cơ bản đạt tiến độ

Đường vành đai TP.Tân An tạo sức bật của đô thị trung tâm tỉnh Long An

Đường vành đai TP. Tân An có điểm đầu giao ngã tư Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa) và điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 1A – ĐT 833, TP. Tân An với 4 dự án thành phần và dự án cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 23 km, tổng vốn đầu tư hơn 1.533 tỷ đồng. Dự án sau khi hoàn thành sẽ giúp giảm bớt áp lực cho Quốc lộ 1, tuyến tránh Quốc lộ 1, đoạn qua TP. Tân An và trục đường Hùng Vương, chuyển hướng lưu thông vận tải ra các vùng ven ngoại thành. Đồng thời, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, góp phần đưa Tân An sớm đạt mục tiêu trở thành đô thị loại I.

Theo Sở Giao thông – Vận tải Long An, đến nay việc triển khai đầu tư xây dựng công trình hoàn thiện đường vành đai TP. Tân An cơ bản đạt tiến độ. Trong đó, nhiều gói thầu đã được quyết toán, nghiệm thu, đưa vào sử dụng, các gói thầu còn lại đang triển khai thi công theo đúng tiến độ đề ra.

Cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, thuộc Dự án đường Vành đai TP. Tân An đã hợp long vào ngày 1/9/2023 Ảnh: Đài PT - TH Long An
Cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, thuộc Dự án đường Vành đai TP. Tân An đã hợp long vào ngày 1/9/2023 Ảnh: Đài PT – TH Long An

Với cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, ngày 1/9, UBND tỉnh Long An đã tổ chức lễ hợp long công trình, dự kiến thông xe kỹ thuật trong tháng 11/2023, khánh thành chính thức vào tháng 12/2023, đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Tính đến ngày 11/9/2023, công trình hoàn thiện đường vành đai TP. Tân An đạt 80% kế hoạch tiến độ. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, dự án gặp phải vướng mắc tại vị trí 2 nút giao (đầu và cuối tuyến) còn vướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật do Trung tâm Phát triển quỹ đất và Dịch vụ tài nguyên, môi trường làm chủ đầu tư chưa được di dời. Sở Giao thông – Vận tải cho biết, sẽ tập trung đôn đốc các nhà thầu triển khai thi công đúng tiến độ được phê duyệt. Dự kiến, đường vành đai TP.Tân An sẽ thông xe toàn tuyến vào cuối năm nay.

Long An: Khởi công dự án ĐT830E hơn 3.700 tỷ đồng

Còn Dự án ĐT 830E (đoạn từ nút giao cao tốc xã An Thạnh đến ĐT 830 (lý trình Km27+900 theo đường ĐT 830 – Cần Đước) giai đoạn I đầu tư đoạn từ đầu tuyến Km0+000 đến Km7+400 và đoạn kết nối ra ĐT 830 dài 1,76 km (giai đoạn I dài 9,16 km) được Tỉnh ủy Long An xác định là công trình trọng điểm. Quy mô đầu tư đường cao tốc đô thị, giải phóng mặt bằng 74,5 m, giai đoạn I xây dựng 4 làn xe và nút giao với Quốc lộ 1. Mức vốn đầu tư xây dựng trên 1.213 tỷ đồng và giải phóng mặt bằng hơn 2.494 tỷ đồng.

Về tiến độ giải phóng mặt bằng công trình ĐT 830E, đoạn qua huyện Bến Lức đã chi được 707/878 trường hợp, tổng số tiền bồi thường 1.198 tỷ đồng với diện tích 32,8/39,7 ha. Còn lại chưa nhận tiền 171 hộ với tổng số tiền 377,54 tỷ đồng, diện tích 6,85 ha. Đoạn qua huyện Cần Đước đã kiểm đếm 146/155 hộ với diện tích 9,89/10,08 ha, đạt 98,1% diện tích (trong đó diện tích đất công 1,08 ha).

Về tiến độ đầu tư xây dựng đường, đến đầu tháng 9/2023, gói thầu thi công xây dựng đoạn từ nút giao ĐT 830 đến đường Nguyễn Văn Nhâm (đơn nguyên bên phải tuyến) giá trị thực hiện đạt 5,63/143,835 tỷ đồng (đạt 3,91%). Gói thầu thi công xây dựng đoạn từ nút giao ĐT 830 đến đường Nguyễn Văn Nhâm (đơn nguyên bên trái tuyến) giá trị thực hiện đạt 6,01/179,234 tỷ đồng (đạt 3,35%). Gói thầu thi công xây dựng đoạn từ đường Nguyễn Văn Nhâm đến Quốc lộ 1 (đơn nguyên bên trái tuyến) giá trị thực hiện đạt 3,17/203,837 tỷ đồng (đạt 1,56%). Gói thầu thi công xây dựng đoạn từ đường Nguyễn Văn Nhâm đến Quốc lộ 1 (đơn nguyên bên phải tuyến) giá trị thực hiện đạt 1,7/161,21 tỷ đồng (đạt 1,05%).

Tỉnh Lộ 827E - Dự án đầu tư tuyến đường mới đang được phát triển

Đối với Dự án ĐT 827E, qua địa bàn tỉnh Long An gồm 35,6 km từ ranh giới tỉnh Long An – TP.HCM (km0+000) thuộc xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc và điểm cuối tại tại ranh giới tỉnh Long An – Tiền Giang (Km35+600) thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, quy mô dự kiến đầu tư với phạm vi đường giao thông 100 m; phạm vi giải phóng mặt bằng 300 m (gồm 100 m đường và 100 m mỗi bên để phát triển quỹ đất). Toàn tuyến được phân thành 5 dự án độc lập gồm 3 dự án giải phóng mặt bằng theo 3 đoạn khác nhau và 2 dự án đầu tư xây dựng (đầu tư phần đường và đầu tư phần cầu).

Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp – thương mại – dịch vụ cho các huyện Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc, cũng như của tỉnh Long An. Đây cũng là công trình được kỳ vọng góp phần tạo động lực phát triển cho cả vùng Tây Nam Bộ.

Theo Sở Giao thông – Vận tải Long An, trước mắt, tỉnh tập trung các nguồn lực từ nguồn vốn ngân sách để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng phần đường dẫn vào các cầu trên ĐT 827E (cầu Cần Giuộc, cầu Vàm Cỏ Đông và cầu Vàm Cỏ Tây) để kết nối các cầu với các tuyến đường tỉnh và quốc lộ nhằm phát huy hiệu quả việc đầu tư dự án xây dựng 3 cầu bằng vốn vay ODA.

Sở Giao thông – Vận tải đang triển khai lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, triển khai khi xác định được nguồn vốn.

Hơn 4.700 tỷ đồng xây 3 cầu kết nối TP HCM - Long An - Tiền Giang - VnExpress

Riêng đối với Dự án xây dựng 3 cầu trên ĐT 827E (có tổng mức đầu tư khoảng 4.797 tỷ đồng; trong đó, vốn ODA khoảng 4.060 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng ngân sách tỉnh), UBND tỉnh Long An đã ký đề xuất dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.

Các công trình trọng điểm nêu trên khi hoàn thành sẽ tạo nên hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ cho tỉnh Long An, kết nối thuận lợi, thông suốt nội tỉnh và liên vùng, đặc biệt là kết nối Long An với TP.HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam. Từ đó càng làm tăng thêm tính hấp dẫn về môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng của Long An.

Đại công trường” những dự án giao thông trọng điểm được khởi công, hoàn thiện đảm bảo tiến độ

Ngoài 3 công trình trọng điểm nêu trên, tỉnh Long An đang tập trung triển khai 8 công trình thuộc Chương trình đột phá về giao thông gồm: đường Lương Hòa – Bình Chánh, đường Hựu Thạnh – Tân Bửu, ĐT 826E (đoạn từ giao ĐT.826C đến cầu Cần Giuộc), đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi đến ĐT.826E, trục động lực Đức Hòa, đường Tân Tập – Long Hậu (đoạn từ Vành đai 4 đến ĐT 830), Dự án nâng cấp, mở rộng ĐT 824 đoạn từ Tua Một đến cầu kênh Ranh và Dự án nút giao đường Hùng Vương – Quốc lộ 62 (TP. Tân An).

Nguồn: Báo Đầu Tư

Liên quan