Quyết định tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm đã góp phần thúc đẩy du lịch Tây Ninh phát triển mạnh mẽ, tạo lợi thế thu hút đầu tư công nghiệp vượt trội, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Phát triển hạ tầng tạo đà bứt phá

Là cửa ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Tây Ninh hiện đang được tăng cường đầu tư hạ tầng, thúc đẩy tiềm năng, tạo đòn bẩy cho sự phát triển của tỉnh, tăng cường khả năng kết nối liên vùng.

Theo kế hoạch đề ra, trong giai đoạn từ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ tập trung quy hoạch mạng lưới đường bộ và kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, mở ra cơ hội liên kết cho tỉnh Tây Ninh với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Các dự án hạ tầng được triển khai nâng cấp sẽ tận dụng tối đa lợi thế vị trí chiến lược của Tây Ninh khi liền kề Thành phố Hồ Chí Minh – đầu tàu kinh tế phía Nam và Bình Dương – thủ phủ công nghiệp. Đây cũng là nơi giao nhau của hai hành lang vận tải Tây Nguyên – Đồng bằng Sông Cửu Long và Campuchia – Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai, cũng là đầu mối gần nhất kết nối TP. Hồ Chí Minh với thủ đô Phnompenh, Campuchia.

Ngoài ra, Tây Ninh cũng đang triển khai đầu tư đường liên tuyến N8-787; hoàn thành, đưa vào khai thác đường ĐT.782 – ĐT.784, ĐT.795, ĐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn, đường Đất Sét – Bến Củi,… kết nối giữa Tây Ninh với Bình Dương, Long An và TP.HCM. Các tuyến quốc lộ 22C kết nối Bình Dương đến Kà Tum, Tây Ninh; quốc lộ 56B (từ Bình Dương đến cửa khẩu Phước Tân) và quốc lộ 14C,… đang được nâng cấp và mở rộng.

Nhiều dự án cao tốc mang tầm quốc gia đã được phê duyệt, chuẩn bị khởi công, hứa hẹn tăng tính kết nối từ Tây Ninh đến các vùng kinh tế trọng điểm. Cụ thể như cao tốc TP.HCM – Mộc Bài,  cao tốc Gò Dầu – Xa Mát, hành lang kết nối liên vùng giữa Bình Phước và Campuchia theo hướng Đông Tây, kết nối các tuyến quốc lộ 13, 14 và sân bay Long Thành gắn với tuyến đường N2 và quốc lộ 22…

Khẳng định vị thế của “thủ phủ” du lịch tâm linh

Một trong những lý do để hạ tầng Tây Ninh được ưu tiên đầu tư chính là tạo đà thúc đẩy cho sự phát triển của du lịch tâm linh – từ lâu vốn đã là lợi thế của tỉnh.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch đến Tây Ninh đạt 4,22 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 1.765 tỷ đồng đưa địa phương trở thành tâm điểm du lịch hàng đầu Đông Nam Bộ. Vừa qua, chuyên trang du lịch Vietnam Nomad giới thiệu “10 viên ngọc ẩn” tuyệt đẹp của du lịch Việt Nam, trong đó Tây Ninh nổi lên như là điểm đến phải ghé thăm trong năm 2023.

Ngoài quần thể di tích núi Bà Đen, được ví như mái nhà Đông Nam bộ với độ cao gần 1.000m đã được biết đến rộng rãi, Tây Ninh còn có thiên nhiên phong phú, di tích lịch sử văn hóa đa dạng như: Du lịch tâm linh tại tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát, du lịch về nguồn tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, du lịch nghỉ dưỡng, thể thao tại hồ Dầu Tiếng; du lịch mua sắm tại Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, Xa Mát… thu hút đông đảo khách du lịch trong khu vực và trên cả nước.

Đáng chú ý, mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã lên kế hoạch với kinh phí 7 tỷ đồng nhằm quảng bá điểm đến du lịch Tây Ninh giai đoạn 2023-2025. Kế hoạch định hướng phát triển, kết nối đồng bộ loạt điểm đến hấp dẫn ở Tây Ninh bao gồm: Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng và di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp

Sự bứt phá của ngành du lịch đã tạo “đòn bẩy” thúc đẩy cơ cấu kinh tế trong toàn tỉnh Tây Ninh. Song song với phát triển du lịch, ban lãnh đạo của tỉnh còn chú trọng phát triển công nghiệp, thu hút nguồn vốn FDI, phát huy lợi thế “đầu mối” giao thương quan trọng giữa Việt Nam và các nước ASEAN trong vùng Mekong mở rộng.

Tây Ninh hiện đang có 3 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam, 3 cửa khẩu quốc gia là Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân và 10 cửa khẩu phụ khác; là địa phương có nhiều tiềm năng, cơ hội và lợi thế để đón bắt làn sóng đầu tư dịch chuyển từ Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh Đông Nam Bộ để phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội nói chung.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang thúc đẩy để sớm đưa vào hoạt động các cảng và trung tâm logistics bao gồm cảng Mộc Bài, cảng Hưng Thuận, hỗ trợ thông thương hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương với thị trường trong nước và quốc tế.

Hệ thống giao thông, hạ tầng thương mại thông suốt và có tính kết nối cao chính là lợi thế giúp Tây Ninh thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ. Đặc biệt là nhà đầu tư tại các khu công nghiệp và Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

Đến nay, Khu Công nghiệp Trảng Bàng, Khu Chế xuất Linh Trung III, Khu Công nghiệp Chà Là cơ bản đã được lấp đầy; Khu Liên hợp Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ Phước Đông – Bời Lời, Khu Công nghiệp Thành Thành Công thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp tỉnh phát triển.

Nguồn: Báo Tây Ninh

Liên quan