Với hàng loạt đòn bẩy hạ tầng ngàn tỷ đổ bộ khu Đông Sài Gòn, thị trường bất động sản “tam giác vàng kinh tế” TP HCM – Bình Dương – Đồng Nai đang trở nên hết sức hấp dẫn trong mắt khách hàng.
Hạ tầng khu Đông Sài Gòn nhộn nhịp triển khai
Từ đầu năm đến nay, các bộ ngành trung ương cũng như các địa phương liên quan đã bắt đầu triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối vùng kinh tế Đông Nam Bộ với các khu vực còn lại, tạo bệ phóng cho phát triển trong những năm tới.
Với tổng mức đầu tư 17,408.39 tỷ đồng, dự án đường cao tốc TP HCM – Chơn Thành có điểm đầu tại Vành đai 3 TP HCM thuộc địa phận TP Thuận An (Bình Dương), điểm cuối tại ranh giới tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước với tổng chiều dài tuyến khoảng 45.747 km dự kiến chuẩn bị và thi công giai đoạn 2023 – 2027. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là trục cao tốc Bắc Nam của tỉnh Bình Dương, Bình Phước (trục xuyên tâm cắt qua đường Vành đai 4, Vành đai 3, dẫn đến đường Vành đai 2 thành phố Hồ Chí Minh), nối tiếp tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).
Tuyến cao tốc TP HCM – Mộc Bài (kết nối với cả hai đường vành đai 3, 4 TPHCM) đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 20,889 tỷ đồng, dài khoảng 50 km. Dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; nỗ lực khởi công trước ngày 30/4/2024.
Đặc biệt, Vành đai 3 có tổng chiều dài khoảng 76.34 km quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 08 làn xe cao tốc; đường song hành hai bên (đường đô thị 02-03 làn xe), đi qua địa phận 4 địa phương gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự án đã chính thức khởi công tháng 6/2023 với tổng mức đầu tư 75,378 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
TS Trần Nguyễn Minh Hải – Chuyên gia Địa ốc Đại học Ngân hàng TPHCM – chia sẻ, “tương tự như câu chuyện giá trị kinh tế – xã hội của tuyến vành đai 2, đi cùng với tốc độ hoàn thiện vành đai 3, các khu đô thị nằm giữa vành đai 2 và 3 sẽ chứng kiến sự tăng trưởng nhanh hơn trước nhiều lần về kinh tế. Thị trường BĐS tăng trưởng là điều tất yếu”.
Với hạ tầng được đầu tư thỏa đáng và không ngừng hoàn thiện, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai – “Tam giác kinh tế vàng” trở thành khu vực hấp dẫn đầu tư bậc nhất trong và ngoài nước, lần lượt xếp vị trí thứ 1,3,4 về thu hút vốn FDI cả nước (lũy kế đến năm 2023), thu hút đông đảo lao động tri thức, chuyên gia về đây sinh sống và làm việc mỗi năm.
BĐS các đô thị vệ tinh cửa ngõ khu Đông Sài Gòn hưởng lợi
Nằm giữa vành đai 2 và 3, cụm đô thị vệ tinh phía Đông TP HCM là địa bàn hưởng lợi nhiều nhất từ loạt đầu tư hạ tầng giao thông nêu trên.
Bên cạnh các dự án nghìn tỷ, để tăng liên kết giữa Bình Dương với TP HCM, tại TP.Thuận An sẽ có thêm 3 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn: cầu Tàu (phường Hưng Định) nối huyện Hóc Môn – TP HCM; cầu Vĩnh Phú (đường VP09) kết nối quận 12 – TP HCM, phục hồi cầu sắt Lái Thiêu thành cầu kiến trúc cảnh quan.
Các tuyến giao thông huyết mạch khu vực cửa ngõ Đông TP HCM như: Cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn, ĐT 743a, ĐT 743b, ĐT 746, đường ven sông Sài Gòn nối Bình Dương – TP HCM, … cũng được nâng cấp, mở rộng. Nhờ đó, các dự án BĐS đáp ứng nhu cầu an cư chất lượng cao tại khu vực này ngày càng dành được nhiều sự quan tâm.
Nguồn: Vietstock