Sân bay Long Thành giai đoạn 1 khi đưa vào khai thác dự kiến cần khoảng 12.000 cán bộ, công nhân viên. Điều này mở ra cơ hội cho nhiều người, nhất là người dân địa phương, song cũng là thách thức không nhỏ với các đơn vị tuyển dụng.
Mơ ước làm việc ở “siêu sân bay”
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trong tổng số gần 12.000 lao động kể trên, nhu cầu trình độ tiến sĩ là 5 người, thạc sĩ là 405 người, đại học – cao đẳng 6.000 người, lao động phổ thông gần 2.000 người…
Để chuẩn bị nhân lực khai thác sân bay, tới thời điểm này, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), tỉnh Đồng Nai và nhiều cơ sở giáo dục đã lên kế hoạch tìm kiếm, đào tạo.
Đặc biệt, người dân trong tỉnh Đồng Nai và nhất là những người nhường đất làm sân bay đều mong muốn được ưu tiên tuyển dụng làm việc ở đây.
Gia đình anh Nguyễn Thành Nam (xã Bình Sơn, huyện Long Thành) là một trong những hộ dân nhường đất làm sân bay Long Thành. Anh bày tỏ, được làm việc tại siêu sân bay Long Thành là niềm mơ ước bấy lâu. Hiện anh đang làm thợ hồ, những công việc anh mong muốn là bốc xếp hàng hóa hoặc công việc phổ thông vì anh không có bằng cấp chuyên môn.
“Biết là muốn có một công việc ở sân bay, lợi thế đầu tiên là phải biết tiếng Anh nên sau giờ làm ban ngày, tối tối tôi đến trung tâm để học tiếng Anh. Tôi mong được ưu tiên tuyển dụng vì gia đình đã có đất bị thu hồi, tôi cần việc làm”, anh Nam bày tỏ.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thảo (ngụ huyện Long Thành) cho biết, hai con trai của bà đang làm việc liên quan đến kỹ thuật, máy móc ở TP.HCM. Mặc dù lương cao nhưng phải đi làm xa, sáng đi sớm, tối về trễ nên bà Thảo mong các con sẽ có cơ hội khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
“Hai con trai của tôi đều giỏi tiếng Anh, lại là dân kỹ thuật lâu năm nên tôi nghĩ, với nhu cầu tuyển dụng nhiều như vậy, các cháu dễ có cơ hội xin việc ở sân bay. Tôi nghe bảo tuyển từ 11.000 người đến gần 14.000 người cho rất nhiều vị trí. Chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên hơn cho con em địa phương nên cơ hội việc làm sẽ cao hơn”, bà Thảo hy vọng.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, tỉnh cần chủ động, chuẩn bị sớm nguồn nhân lực phục vụ sân bay và tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Trong đó, sẽ ưu tiên những gia đình đã giao đất làm sân bay.
Chủ động nguồn nhân lực từ sớm
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, tỉnh đã quy hoạch 1.000ha đất và mời gọi các trường đại học, học viện mở cơ sở đào tạo về ngành nghề liên quan đến hàng không và một số nghề nghiệp quan trọng.
“Để có nguồn lực chất lượng, thời gian tới các trường đại học, cao đẳng ở Đồng Nai phải nâng cao chất lượng đào tạo. Như vậy mới tạo ra nguồn lực lớn, đáp ứng nhu cầu phục vụ sân bay”, ông nói.
Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết thêm: “Lãnh đạo tỉnh đã đề nghị 21 trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn sớm rà soát ngành nghề đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Đồng thời, làm việc với 25 đơn vị đào tạo được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép để triển khai đào tạo với chi phí hợp lý, chất lượng đào tạo đảm bảo”.
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Phong, Trưởng ban chuẩn bị khai thác sân bay Long Thành, thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, ACV sẽ thành lập chi nhánh sân bay Long Thành. Mục đích để chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, hệ thống, công nghệ, quy trình quy chuẩn, đặc biệt là nguồn nhân lực cho quản lý, vận hành khai thác sân bay.
Theo ông Phong, nhân lực được tuyển dụng sẽ làm việc tại các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài, các công ty phục vụ mặt đất, công ty cung cấp xăng dầu hàng không, các công ty hàng hóa hàng không, các đơn vị cung cấp suất ăn hàng không, Chi nhánh sân bay Long Thành, Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay, Tổng công ty hàng không Việt Nam…
Số lao động này chưa bao gồm nhân lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, cảng vụ, hải quan, công an cửa khẩu, kiểm dịch y tế quốc tế, kiểm dịch động thực vật…
“Nguồn nhân lực cần cho khai thác sân bay Long Thành là rất lớn nên các cơ sở giáo dục cần sớm quan tâm đến đào tạo ngành nghề bảo dưỡng, chăm sóc, sửa chữa máy bay. Đồng thời triển khai đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin, dữ liệu, sinh trắc học, tự động hóa xử lý hành khách, hành lý, điện… Riêng lao động phổ thông yêu cầu phải tốt nghiệp THPT trở lên và có trình độ tiếng Anh tối thiểu TOEIC 300 hoặc tương đương trở lên”, ông Phong cho hay.
Tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành hàng không
Tìm hiểu của PV, để đáp ứng nhu cầu lao động cho sân bay Long Thành, Học viện Hàng không Việt Nam đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành từ năm 2021. Đặc biệt năm học 2024 – 2025, Học viện dự kiến tuyển sinh 3.530 chỉ tiêu cho 12 ngành bậc đại học và 300 chỉ tiêu cho 4 ngành bậc cao đẳng.
12 ngành đại học gồm: Quản lý hoạt động bay, Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Kinh tế vận tải, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị nhân lực, Công nghệ thông tin, Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa, Công nghệ Kỹ thuật Điện tử viễn thông, Công nghệ Kỹ thuật Công trình xây dựng, Kỹ thuật Hàng không, Kinh doanh quốc tế (dự kiến).
Bốn ngành cao đẳng gồm: Dịch vụ thương mại hàng không, Kiểm tra an ninh hàng không, Kiểm soát không lưu, Kỹ thuật bảo dưỡng cơ khí tàu bay.
“Học viện Hàng không đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, nhiều chế độ đãi ngộ để thu hút đội ngũ giảng viên có trình độ cao, các chuyên gia trong và ngoài nước. Đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm chuẩn hóa chương trình đào tạo, đáp ứng việc tăng chỉ tiêu hàng năm”, đại diện Học viện cho cho hay.
Cũng theo vị này, mỗi năm học viện đang đào tạo khoảng 500 kỹ sư về kỹ thuật hàng không, quản lý hoạt động bay, điện tử viễn thông và tự động hóa, hàng nghìn kỹ sư xây dựng, cử nhân ngành nghề kinh tế, dịch vụ hàng không… Hiện Học viện còn kết hợp với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tổ chức tuyển dụng và đào tạo ngành quản lý hoạt động bay trình độ đại học để phục vụ cho các cảng hàng không.
Tương tự, nhiều trường ở Đồng Nai cũng đang tìm kiếm cơ hội đào tạo nhân lực cho ngành hàng không.
Chia sẻ với Báo Giao thông, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) cho biết, trên địa bàn tỉnh có 15 trường cao đẳng, trung cấp, 5 trường đại học, nhưng chưa có trường nào được phép đào tạo nhân lực cho lĩnh vực hàng không.
Theo ông Quỳnh, nhân sự phục vụ cho ngành hàng không là một nghề đặc thù có điều kiện về đảm bảo an ninh và an toàn rất cao. Vì vậy thời gian tới, trường Đại học Lạc Hồng sẽ chủ động làm việc với các công ty sử dụng lao động thuộc lĩnh vực hàng không để cập nhật, tích hợp chương trình hàng không vào quá trình đào tạo các chuyên ngành.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyển sinh hai chuyên ngành Quản trị hàng không (nằm trong ngành Quản trị kinh doanh) và Logistics hàng không (nằm trong ngành quản lý logistics và chuỗi cung cứng).
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Cục Hàng không xin hỗ trợ các trường ở Đồng Nai được mở ngành mới và cấp phép đào tạo lĩnh vực hàng không để vừa đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sân bay, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương”, ông Quỳnh nói.
Nguồn: Báo Giao Thông