Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Sở GTVT TP.HCM đề xuất ưu tiên vốn để đầu tư 6 tuyến đường sắt đô thị từ nay đến 2035 với tổng nhu cầu vốn hơn 200.000 tỉ đồng. Phương án huy động vốn từ việc khai thác quỹ đất xung quanh nhà ga.
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về việc đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).
Theo văn bản, quy hoạch giao thông vận tải TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 Thành phố có 8 tuyến metro.
Hiện tại, TP.HCM đang đầu tư xây dựng 2 tuyến metro: Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng mới đây đã xin gia hạn hoàn thành vào tháng 12/2023. Tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) có tổng mức đầu tư gần 47.900 tỉ đồng đã thi công nhà điều hành ở depot (nhà ga và trạm bảo dưỡng) Tham Lương, các hạng mục chính vẫn chưa được khởi công. Dự án xin gia hạn dự án hoàn thành vào năm 2030.
6 tuyến metro đang trong giai đoạn nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Sở GTVT TP.HCM đề xuất tổng mức vốn để thực hiện 6 dự án này hơn 200.000 tỉ đồng, hiện đang xúc tiến mời gọi đầu tư, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2035.
Về phương án huy động vốn, Sở GTVT cho rằng việc trông chờ nguồn vốn ngân sách và vốn ODA có tính khả thi không cao. Do ngân sách hạn hẹn, vốn vay OAD khó tiếp cận vì Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Bên cạnh đó việc quản lý, sử dụng vốn ODA để xây dựng các tuyến đường sắt còn vướng mắc, bất cập dẫn đến chậm tiến độ.
Phương án Sở GTVT TP. HCM đề xuất là khai thác quỹ đất dọc tuyến và khu vực xung quanh nhà ga metro (trong khu vực bán kính 500 m) để huy động vốn xây dựng các tuyến metro mới.
Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc khẩn trương cập nhật vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND TP. HCM phương án, kế hoạch huy động nguồn vốn, trong đó có phương án khai thác quỹ đất vùng phụ cận xung quanh các nhà ga đường sắt đô thị để tạo nguồn vốn đầu tư cho 6 tuyến mới.
Nguồn: Cafeland