Vành đai 3, 4, mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến TP HCM – Long An – Tiền Giang là 4 dự án được thành phố kiến nghị đẩy nhanh.
Kiến nghị vừa được Sở Giao thông Vận tải TP HCM gửi Bộ trưởng Giao thông Vận tải để tổ chức buổi làm việc nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện. Đây đều là các dự án trọng điểm, tạo đà kết nối các tỉnh và phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – nơi góp hơn 45% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước. Các dự án này đã có kế hoạch đầu tư từ lâu nhưng chưa triển khai, khiến khu vực chưa phát huy thế mạnh, có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Đường Vành đai 3 dài 98 km đi qua Long An, TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Dự án chia làm 4 đoạn: Tân Vạn – Bình Chuẩn, Tân Vạn – Nhơn Trạch, Bình Chuẩn – quốc lộ 22 và quốc lộ 22 – Bến Lức. Trong đó đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước – Tân Vạn thuộc tỉnh Bình Dương) dài 16 km đầu tư hoàn thành.
Với 3 đoạn còn lại, riêng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch có 2 dự án thành phần: 1A (từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, dài 8,7 km) và 1B (từ cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây đến nút giao trạm 2 xa lộ Hà Nội, dài gần 9 km), đã xác định được nguồn vốn đầu tư.
Trong đó, dự án 1A tổng đầu tư 5.329 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc (gần 4.200 tỷ đồng), còn lại vốn đối ứng của Chính phủ. Dự án 1B tổng vốn gần 4.000 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Hai dự án này dự kiến khởi công trong quý 3 năm nay.
Đối với hai đoạn còn lại là Bình Chuẩn – quốc lộ 22 và quốc lộ 22 – Bến Lức, tổng chiều dài 48 km, hiện đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với tổng vốn hơn 24.300 tỷ đồng. Vốn đầu tư hai đoạn này lần lượt được đề xuất vay từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Hồ sơ hai dự án này phía Bộ Giao thông Vận tải đang xem xét.
Vành đai 4 dài 198 km, đi qua Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM. Dự án được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc, tổng vốn dự kiến 100.000 tỷ đồng. Hồi tháng 8 năm ngoài, Thủ tướng giao các địa phương liên quan lập dự án ưu tiên nguồn lực giai đoạn 2021-2025, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư. Hiện, TP HCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì nghiên cứu tổng thể các phương án, quy mô, phân kỳ đầu tư…
Mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây hiện phía TP HCM kiến nghị nghiên cứu kỹ về quy mô mở rộng, đánh giá nhu cầu giao thông… Đồng thời, thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu bổ sung nút giao kết nối cao tốc với đường Long Phước (quận 9), đầu tư hoàn chỉnh nút giao An Phú (quận 2), để đồng bộ với mở rộng cao tốc…
Theo phương án được Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) đề xuất mới đây, tổng kinh phí mở rộng cao tốc gần 10.000 tỷ đồng. Đoạn mở rộng làm trên chiều dài 24 km, từ cầu Bà Dạt (quận 2) đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Đồng Nai), mặt đường sẽ được mở rộng lên gấp đôi, từ 4 lên 8 làn xe.
Trục động lực kết nối TP HCM – Long An – Tiền Giang dài hơn 54 km, tổng mức đầu tư ước tính gần 16.200 tỷ đồng. Với dự án này, TP HCM kiến nghị bổ sung vào Quy hoạch giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ quốc gia. Chính phủ hiện giao Bộ Giao thông Vận tải xem xét.
Ngoài các dự án nói trên, TP HCM tập trung đẩy nhanh các tuyến kết nối liên vùng thuộc thẩm quyền như cao tốc TP HCM – Mộc Bài, các dự án mở rộng đường cửa ngõ như xa lộ Hà Nội, quốc lộ 50, 22… Thành phố được coi có vai trò đầu mối trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng hệ thống hạ tầng giao thông bị cho vừa thiếu vừa yếu so với nhu cầu.