Hai dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và Thủ Thiêm – Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 90.000 tỉ đồng sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

 

vingholdings
Thống nhất đầu tư hai tuyến đường sắt hơn 90.000 tỉ đồng

 

Chính phủ vừa có Văn bản số 5241/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc giao cơ quan có thẩm quyền đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và Thủ Thiêm – Long Thành.

 

Theo đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GT-VT thống nhất với UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM cùng các cơ quan liên quan về phương án đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và Thủ Thiêm – Long Thành.

 

Tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu có quy mô đề xuất thực hiện dài khoảng 65km. Điểm đầu tại ga Trảng Bom, H.Trảng Bom (Đồng Nai); điểm cuối tại cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu). Quy mô đề xuất thực hiện khổ 1.435mm; trong đó, đoạn Biên Hòa – Thị Vải đường đôi, đoạn Thị Vải – Vũng Tàu đường đơn. Tổng mức đầu tư dự án hơn 50.800 tỉ đồng, theo phương thức đối tác công tư (PPP).

 

Tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu là một trong những tuyến đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là tuyến đường sắt được đầu tư xây dựng để hướng đến mục tiêu kết nối cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành với cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải.

 

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1831/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GT-VT là đơn vị đầu mối liên hệ đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu. Bộ GT-VT sau đó đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu.

 

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, về hướng tuyến, đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu cơ bản sẽ đi chung hành lang an toàn với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dự kiến sẽ khởi công vào tháng 6/2023. Do đó, để công tác giải phóng mặt bằng được đồng bộ, không ảnh hưởng nhiều lần đến người dân, Đồng Nai kiến nghị sớm triển khai đồng bộ cùng lúc hai dự án giao thông quan trọng này.

 

Trong khi đó, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành có chiều dài khoảng 37,5km. Điểm đầu tại ga Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức (TP.HCM); điểm cuối tại cảng hàng không quốc tế Long Thành, H.Long Thành (Đồng Nai). Quy mô đề xuất thực hiện đường đôi, khổ 1.435mm, chỉ phục vụ hành khách. Tổng mức đầu tư dự án hơn 40.500 tỉ đồng, theo phương thức PPP.

 

Đây là một trong những dự án giao thông quan trọng có tính kết nối liên vùng, đặt biệt là kết nối sân bay Long Thành với trung tâm tài chính kinh tế TP. Thủ Đức. Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có báo cáo UBND TP về phương án quy hoạch hệ thống đường sắt kết nối vùng trên địa bàn TP.

 

Trong đó, Sở Giao thông kiến nghị thành phố cần ưu tiên đầu tư sớm hai tuyến đường sắt gồm Thủ Thiêm – Long Thành và TP.HCM – Cần Thơ.

 

 

 

 

 

Liên quan