Theo nhà nghiên cứu thương mại hàng không – Tiến sĩ John Kasarda, thành phố sân bay là vùng đô thị được quy hoạch đồng bộ về cơ sở hạ tầng, tiện ích, có nền kinh tế lấy sân bay làm cốt lõi cho việc đầu tư và phát triển.
Nhờ việc xây dựng và quy hoạch thành công các thành phố này, nhiều quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore,… đã tạo ra các cực tăng trưởng đô thị mới về tài chính, du lịch, xuất nhập khẩu, logistics, giáo dục, y tế, mang lại lợi thế cạnh tranh rất lớn trong thời đại kết nối toàn cầu.
Từ các mẫu hình đô thị sân bay trên thế giới
Điển hình như thành phố sân bay Las Colinas (Texas, Hoa Kỳ) cách sân bay quốc tế Dallas-Fort Worth chỉ 10 phút lái xe, với hơn 40 khu dân cư, 45.000 cư dân sinh sống. Đây là nơi đặt trụ sở của 12 công ty nằm trong danh sách Fortune 1000 (bảng xếp hạng 1.000 công ty lớn nhất của Mỹ theo doanh thu) với các tập đoàn mang tính biểu tượng của Hoa Kỳ như ExxonMobil, McKesson, Kimberly-Clark, Celanese,…
Hay khu trung tâm thương mại tài chính Zuidas (Amsterdam, Hà Lan) là một trong những đại diện thành công của khu đô thị sân bay. Zuidas chỉ cách sân bay Amsterdam Schiphol khoảng 6 phút đi tàu và cách các quận trung tâm của Amsterdam 15 phút di chuyển. Hơn 700 công ty và các công ty đa quốc gia lớn như Akzo Nobel hay ngân hàng ABN-Amro, ING đều có trụ sở chính tại Zuidas.
Tương tự, Hàn Quốc đã xây dựng vùng đô thị sân bay có thành phố sân bay Incheon là cốt lõi, xoay quanh đó là các đô thị sân bay mới như Cheongna – trung tâm tài chính, giải trí; Yeong Jong – thành phố kinh doanh tốt nhất thế giới và Song Do – “thành phố thông minh” đầu tiên trên thế giới. Được biết, các khu đô thị sân bay này đã giúp Hàn Quốc thu hút hơn 2,3 tỷ USD cho các dự án của Air City cũng như thu hút đông đảo du khách đến với Hàn Quốc.
Đến tiềm năng phát triển của thành phố sân bay Long Thành, Đồng Nai
Hơn 3 năm nữa, cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án sân bay dân dụng lớn nhất Việt Nam sẽ đi vào khai thác giai đoạn 1. Ngay từ lúc này, song song với việc thi công xây dựng sân bay, việc tính toán xây dựng một đô thị sân bay là bức thiết để kịp nắm bắt xu thế, khai thác hết các lợi thế phát triển mà “siêu” dự án này đem lại.
Từ mô hình thực tiễn của các thành phố sân bay trên thế giới, nhiều chuyên gia đánh giá Long Thành, Đồng Nai đang sở hữu những ưu thế đa dạng để phát triển thành một thành phố sân bay điển hình của Việt Nam.
Ưu điểm lớn nhất chính là vị trí vô cùng thuận lợi, Long Thành chỉ cách TP.HCM30 – 40 phút di chuyển và là đầu mối kết nối giao thông về đường bộ, đường sắt và hệ thống cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải.
Trong bán kính 30km từ trung tâm sân bay, có hàng chục khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai và các tỉnh thành trong khu vực đã và sẽ đi vào hoạt động. Đây là những tiền đề rất quan trọng để Long Thành phát triển các đô thị sân bay với những hệ thống trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, trung tâm thể thao, du lịch giải trí.
Theo dự kiến, năm 2025, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ chính thức đi vào khai thác giai đoạn 1 với công suất dự kiến 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa, mỗi năm sẽ đóng góp trực tiếp gần 1% vào GDP chung của cả nước, đồng thời sẽ tạo ra 200.000 việc làm mới kéo theo nhu cầu cư trú và phát triển nhà ở.
Tất cả những điều này đã tạo nền tảng thu hút nhiều doanh nghiệp uy tín đầu tư và phát triển dự án bất động sản tại đây. Trong vòng bán kính 15 phút di chuyển từ sân bay, nhiều dự án khu đô thị lớn đã hình thành và đang ngày càng hoàn thiện, được đảm bảo phát triển đồng bộ theo quy hoạch chung tại địa phương.