Với các dự án mới như: cảng Phước An, cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành cùng với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối đã và đang được triển khai thực hiện, thời gian tới được xem là thời kỳ mà đô thị mới Nhơn Trạch sẽ bứt tốc để phát triển.

 

* Các tiền đề phát triển đã hiện hữu

Hơn 20 năm qua, dù được đánh giá sở hữu nhiều lợi thế nhưng đô thị mới Nhơn Trạch lại chưa thể phát triển như kỳ vọng. Một trong những yếu tố được xem là “điểm nghẽn” khiến cho đô thị mới Nhơn Trạch chưa thể trở thành một đô thị phát triển năng động, hiện đại chính là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối.

Với vị trí nằm ở trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp với đô thị lớn TP.HCM, nhưng do hệ thống giao thông kết nối chưa được đầu tư đồng bộ khiến cho những lợi thế phát triển của Nhơn Trạch vẫn đang ở dạng tiềm năng.

Tuy nhiên, với hàng loạt dự án giao thông kết nối vùng đã và đang được triển khai thực hiện, những năm tới, “điểm nghẽn” phát triển của đô thị mới Nhơn Trạch sẽ được tháo gỡ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG, trong hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2045, đơn vị tư vấn cần đặc biệt chú ý đến vấn đề biến đổi khí hậu. Phải đánh giá hết khả năng tác động của biến đổi khí hậu đến Nhơn Trạch vì đây sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất của Đồng Nai nếu có xảy ra biến đổi khí hậu.

Đánh giá về khả năng phát triển của đô thị mới Nhơn Trạch trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, các tiền đề phát triển như hệ thống hạ tầng, giao thông kết nối của Nhơn Trạch đã hiện hữu. “Đường vành đai 3 – TP.HCM, đường liên cảng, đường tỉnh 25B, 25C… tất cả đều đã hiện hữu” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay.

Ngoài hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, động lực phát triển cho đô thị mới Nhơn Trạch trong thời gian tới sẽ được gia tăng với các “yếu tố” mới đang dần “thành hình” là sân bay Long Thành và cảng Phước An.

Theo kế hoạch, năm 2025, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Có vị trí tiếp giáp với sân bay Long Thành, đô thị mới Nhơn Trạch sẽ là một trong những vùng hưởng lợi lớn từ sự lan tỏa động lực phát triển của “siêu sân bay” này.

Trong khi đó, cảng Phước An theo dự kiến của chủ đầu tư được chính thức đưa vào vận hành trong năm 2024. Đây đươc dự đoán sẽ là “thỏi nam châm” thu hút nguồn hàng từ các địa phương trong vùng Đông Nam bộ phục vụ cho nhu cầu xuất, nhập khẩu.

 

* Tính toán, quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ

Hiện nay, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2045. Đây được xem là cơ hội lớn để đô thị mới Nhơn Trạch khắc phục những quy hoạch lỗi trước đây nhằm đáp ứng với tình hình phát triển mới.

Với hàng loạt yếu tố thúc đẩy phát triển mới đang dần hiện hữu, việc điều chỉnh quy hoạch chung sẽ là bước đi nhằm định hình để hiện thực hóa các tiềm năng, lợi thế phát triển của đô thị mới Nhơn Trạch trong thời kỳ tới. Trong đó, việc quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông bao gồm cả giao thông đối nội và đối ngoại là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng.

Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Thế Vinh cho rằng, trong giai đoạn 2016-2020, việc phát triển đô thị mới Nhơn Trạch chưa được như kỳ vọng là do tồn tại một số yếu tố không có lợi cho quá trình phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, với việc có thêm sân bay Long Thành, quá trình phát triển của đô thị mới Nhơn Trạch sẽ có những tác động mới rất thuận lợi. “Đô thị mới Nhơn Trạch có vị trí nằm giữa sân bay Long Thành và TP.HCM nên cần đánh giá kỹ tác động tới quá trình phát triển đô thị” – ông Trần Thế Vinh nêu quan điểm.

Cũng theo ông Trần Thế Vinh, cùng với sân bay Long Thành, Nhơn Trạch cũng sẽ có thêm cảng Phước An, đây sẽ là những nhân tố thu hút lượng lớn hàng hóa từ các địa phương trong khu vực đổ về Nhơn Trạch. Do đó, việc quy hoạch hệ thống giao thông trên địa bàn cần được tính toán để đáp ứng đủ nhu cầu. Trong đó, phải đặc biệt chú ý đến vấn đề đồng bộ trong kết nối giao thông.

Cùng quan điểm trên, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GT-VT, Vũ Xuân Dự cho rằng, trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2045 phải tính toán lại vai trò của một số tuyến giao thông trục chính cho phù hợp với tình hình mới. “Đường tỉnh 25C trước đây được xác định là trục chính của đô thị mới Nhơn Trạch. Tới đây, tuyến đường này sẽ là một trong những trục kết nối của sân bay Long Thành. Do đó, vai trò của tuyến đường này không còn là tuyến trục chính đô thị mà là tuyến kết nối vùng” – ông Vũ Xuân Dự nêu dẫn chứng.

Ngoài ra, đối với hệ thống giao thông kết nối của đô thị mới Nhơn Trạch, ông Vũ Xuân Dự cho rằng cần nghiên cứu thêm một số phương án bổ sung các tuyến giao thông đối ngoại như khu vực phía Bắc của đô thị mới Nhơn Trạch hay kết nối các tuyến đường tỉnh 25A, 25B, 25C với các trục giao thông quan trọng khác như: quốc lộ 51, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

“Khu vực phía Bắc của đô thị mới Nhơn Trạch tiếp giáp với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây nên có sự chia cắt. Do đó, cần nghiên cứu phương án kết nối hương lộ 2 nối dài với Nhơn Trạch thông qua cầu Long Thành trên đường cao tốc. Từ đó, kết nối chuỗi các đô thị tại xã Long Hưng với đô thị mới Nhơn Trạch. Cùng với đó, có thêm các vị trí kết nối các tuyến đường tỉnh trên địa bàn với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành” – ông Vũ Xuân Dự cho biết thêm.

Trong khi đó, Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ cho rằng, trước đây động lực phát triển của đô thị mới Nhơn Trạch là các khu công nghiệp. Nhưng thời gian tới, động lực mới là phát triển đô thị, dịch vụ, trong đó có dịch vụ logistics và du lịch. Do đó, quy hoạch điều chỉnh cần tính toán bổ sung thêm tuyến đường sắt và khu trung chuyển để giảm chi phí vận tải và đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa quy mô lớn.

Nguồn: Báo Đồng Nai

Liên quan