Các hạng mục cũng như công tác chuẩn bị cho việc khởi công xây dựng phần thân nhà ga hành khách, hạng mục quan trọng bậc nhất của dự án Đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 đều cơ bản đáp ứng tiến độ. Theo dự kiến, gói thầu xây dựng phần thân nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ được khởi công vào cuối tháng 11-2022.

 

 

 Gói thầu móng cọc nhà ga vượt tiến độ gần 2 tháng

 

Cuối tháng 6-2022, gói thầu thi công móng cọc nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1 chính thức được khởi công thực hiện.

 

Tại phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GT-VT ngày 17-9, Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH yêu cầu ACV phải tập trung làm sân bay Long Thành thật tốt; phải đấu thầu công tâm, công khai, minh bạch, chọn một tổng thầu có kinh nghiệm, không chia nhỏ các gói thầu, tiềm ẩn tiêu cực. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành chung tay cùng ACV trong dự án rất quan trọng này.

 

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), chủ đầu tư dự án thành phần 3 – xây dựng các công trình thiết yếu trong sân bay, dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, thi công cọc, nền móng của công trình nhà ga hành khách là hạng mục quan trọng, có ý nghĩa quyết định tiến độ của toàn bộ dự án. Đối với gói thầu thi công cọc công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1, liên danh các nhà thầu sẽ thi công cọc khoan nhồi đường kính 800mm, 1.000mm và 1.200mm với tổng số lượng 1.560 cọc (gồm 15 cọc thử nghiệm và 1.545 cọc đại trà).

 

Theo kế hoạch, gói thầu thi công cọc công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10-2022. Trong đó, việc thi công đại trà cọc khoan nhồi sẽ được thực hiện từ tháng 6 đến tháng
10-2022. Tuy nhiên, đến đầu tháng 9-2022, gói thầu thi công cọc công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã hoàn thành, vượt tiến độ so với kế hoạch gần 2 tháng.

 

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết, cùng với việc hoàn thành thi công, đến nay công tác kiểm tra chất lượng gói thầu gồm thực hiện siêu âm, khoan lõi cọc, bơm vữa ống siêu âm để kiểm tra chất lượng cũng đã hoàn thành. “Qua kiểm tra, 100% cọc thi công đạt yêu cầu” – ông Lại Xuân Thanh cho biết.

 

Đối với gói thầu san nền, thoát nước, dù chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết mưa nhiều, song đến nay, các đơn vị thi công cũng đã hoàn thành đào đắp hơn 16 triệu m3 đất. Theo ACV, với khối lượng trên, mặt bằng hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu và đảm bảo không ảnh hưởng đến các hạng mục đang và sắp được thi công.

 

Điều chỉnh một số nội dung thiết kế

 

Nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1 có công suất 25 triệu lượt hành khách/năm, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40 ngàn tỷ đồng. Đơn vị tư vấn thiết kế phần thân nhà ga là Liên danh Heerim (Hàn Quốc) – Arup (Anh) – Aurecon (Australia) – ADPi (Pháp).

 

Theo đó, Heerim phụ trách phần thiết kế kiến trúc, cảnh quan; Arup thiết kế kết cấu; Aurecon phụ trách thiết kế cơ điện và ADPi thiết kế phần thiết bị, dây chuyền khai thác. Đây là hạng mục quan trọng bậc nhất và có ý nghĩa quyết định tiến độ của toàn dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.

 

Ông Lại Xuân Thanh cho biết, sau khi được các cơ quan hoàn thành thẩm định, ACV cũng đã phê duyệt xong thiết kế kỹ thuật và hoàn thành phê duyệt xong hồ sơ mời thầu gói thầu xây dựng phần thân nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1. Dự kiến, ngày 19-9 tới, ACV sẽ phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu này. Với tiến độ như trên, nếu không có những tình huống bất thường trong đấu thầu, gói thầu xây dựng phần thân nhà ga hành khách sân bay Long Thành sẽ được khởi công xây dựng vào cuối tháng 11-2022.

 

Cũng theo ông Lại Xuân Thanh, hiện nay, ACV đang phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thực hiện điều chỉnh một số nội dung trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật so với hồ sơ thiết kế cơ sở được phê duyệt tại Quyết định số 1777/QĐ-TTg (ngày 11-11-2020) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.

 

Cụ thể, về chiều cao phần thân nhà ga sẽ điều chỉnh tăng từ 45m lên 45,55m. Theo ACV, nội dung này đã được Cục Hàng không Việt Nam cho ý kiến là việc điều chỉnh vẫn nằm trong phạm vi cho phép và không ảnh hưởng đến tĩnh không.

 

Trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật cũng sẽ điều chỉnh một số nội dung của các công trình phụ trợ như: vị trí thang ống, thang cuốn, bố trí các khu chức năng và bố trí thêm các khu vệ sinh…

 

Đồng thời, diện tích mặt bằng sử dụng của nhà ga hành khách Sân bay Long Thành giai đoạn 1 cũng sẽ được điều chỉnh tăng từ 373 ngàn m2 lên 376 ngàn m2. Việc điều chỉnh này cũng đảm bảo không làm thay đổi phạm vi, công năng cũng như quy mô của nhà ga. “Khi thực hiện thiết kế kỹ thuật có một số thay đổi so với thiết kế cơ sở cho phù hợp hơn, hiệu quả hơn. Đây cũng là điều hết sức bình thường trong công tác đầu tư xây dựng” – ông Lại Xuân Thanh khẳng định.

 

 

 

 

Liên quan