Năm 2023 là khoảng thời gian cao điểm thi công dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1.
Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối để phục vụ quá trình thi công cũng như đáp ứng nhu cầu đi lại trong tương lai là rất cấp bách.
* Mở đường phục vụ thi công
Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 được khởi công xây dựng vào đầu năm 2021. Đến nay, một số gói thầu cơ bản như: san nền thoát nước, cọc móng nhà ga hành khách đã và đang được triển khai thi công. Đây là những gói thầu có vai trò quan trọng trong việc phục vụ triển khai thi công các hạng mục tiếp theo của dự án.
Năm 2023, hàng loạt hạng mục quan trọng của dự án như: xây dựng nhà ga hành khách, đường băng, sân đỗ… sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện. Với những hạng mục này, nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc phục vụ thi công là rất lớn. Chính vì vậy, nhu cầu xây dựng các tuyến giao thông phục vụ quá trình thi công cũng sẽ trở nên rất cấp thiết.
Ngoài phương án VEC tự huy động vốn để thực hiện đầu tư mở rộng, tổ chức vận hành, khai thác và thu phí toàn bộ tuyến đường để hoàn vốn đầu tư, Bộ GT-VT đã giao VEC nghiên cứu thêm các phương án đầu tư của dự án này gồm: sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn vay nước ngoài (vốn ODA, vốn vay ưu đãi); đầu tư theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT và phương án nhượng quyền đầu tư.
Thời gian qua, đường tỉnh 769 là tuyến đường chính phục vụ cho quá trình vận chuyển trang thiết bị, máy móc, nguyên liệu phục vụ thi công dự án. Tuy nhiên, với quy mô nhỏ cộng với đó là lượng phương tiện lưu thông lớn, tuyến đường này khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu khi dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 bước vào giai đoạn thi công cao điểm.
Theo quy hoạch, để phục vụ kết nối giao thông cho sân bay Long Thành sẽ có 2 tuyến giao thông T1 và T2 được đầu tư xây dựng. Trong đó, tuyến T1 ngoài việc phục vụ kết nối giao thông cho sân bay Long Thành khi đưa vào khai thác còn đóng vai trò là tuyến đường công vụ phục vụ quá trình thi công dự án.
Tuyến đường T1 có chiều dài 3,8km, sẽ có điểm đầu từ cổng phía Tây sân bay Long Thành kết nối với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, quốc lộ 51 và điểm cuối khớp nối với đường tỉnh 25C. Theo kế hoạch ban đầu, tuyến đường này sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm 2022. Chính vì vậy, yêu cầu đối với công tác giải phóng mặt bằng là rất cấp bách.
Chủ tịch UBND H.Long Thành Lê Văn Tiếp cho biết, để phục vụ xây dựng tuyến đường T1, địa phương sẽ thực hiện thu hồi diện tích đất hơn 66ha, trong đó có hơn 60ha thuộc quyền sử dụng của các hộ gia đình, cá nhân. Đến nay, các cơ quan chức năng của H.Long Thành đã hoàn thành công tác kiểm đếm hiện trạng sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất do các hộ gia đình, cá nhân sử dụng.
“Sau khi UBND tỉnh ban hành giá đất cụ thể, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường sẽ lập phương án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và dự kiến hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quý I-2023” – ông Lê Văn Tiếp cho biết.
Trong khi đó, đối với diện tích đất gần 60ha cần thu hồi để xây dựng tuyến đường T2, đến nay H.Long Thành đã cơ bản hoàn thành công tác kiểm đếm hiện trạng sử dụng đất. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án xây dựng tuyến đường T2 dự kiến cũng sẽ hoàn thành trong quý I-2023.
* Sớm mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây
Theo dự kiến, năm 2025, dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Với quỹ thời gian không còn nhiều, việc hoàn thành đồng bộ các tuyến giao thông kết nối sân bay để phục vụ nhu cầu khai thác cũng rất cấp bách.
Trong quy hoạch, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là tuyến kết nối chính giữa sân bay Long Thành và TP.HCM khi dự án này hoàn thành và đưa vào khai thác.
Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, theo báo cáo tiền khả thi và khả thi của dự án Sân bay Long Thành, khi dự án hoàn thành, khoảng 80% lưu lượng hành khách quốc tế đi và đến sân bay Long Thành có nhu cầu đi đến TP.HCM. Do đó, việc hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh các tuyến giao thông kết nối từ sân bay Long Thành đến TP.HCM đều đang trong tình trạng quá tải. Vì vậy, cần thiết phải triển khai dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây để đảm bảo hiệu quả dự án khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác.
Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ GT-VT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư dự án Mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn từ nút giao đường vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Theo Bộ GT-VT, dự án Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe đã đưa vào khai thác từ năm 2016. Từ đó đến nay, lượng xe trên tuyến đường cao tốc này tăng trung bình khoảng 10,45%/năm. Hiện đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (dài gần 21km) đã mãn tải 4 làn xe, nhu cầu vận tải vượt 25% so với năng lực thông hành của đường…
Với quy mô 4 làn xe hiện tại, 21km đường cao tốc nói trên không đáp ứng được nhu cầu vận tải, đặc biệt khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 đi vào khai thác. Do vậy, đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây rất cần thiết và cấp bách.
Sau khi xem xét, Bộ GT-VT thống nhất với đề nghị của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao cho VEC nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư dự án Mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Theo phương án được Bộ GT-VT lựa chọn, VEC sẽ tự huy động vốn để thực hiện đầu tư mở rộng, tổ chức vận hành, khai thác và thu phí toàn bộ tuyến đường để hoàn vốn đầu tư. Thủ tục đầu tư dự án sẽ theo quy định của Luật Đầu tư.
Phương án này được Bộ GT-VT đánh giá có ưu điểm là tiến độ triển khai thuận lợi và dự kiến đầu năm 2026 hoàn thành, kịp với tiến độ sân bay Long Thành, đồng thời không phải xử lý xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư mới và VEC.
Nguồn: Báo Đồng Nai