Với tầm tài chính khoảng trên dưới 1,5 tỷ đồng, giới đầu tư vẫn đang đổ về các thị trường vùng ven săn mua đất nền, xem đây như kênh tích lũy dòng tiền trong giai đoạn lạm phát.

Dù không còn những cơn sóng giao dịch rộn ràng, tấp nập như giai đoạn đầu năm, thị trường BĐS Đồng Nai vẫn đang âm thầm diễn ra hoạt động mua bán, sang nhượng đất nền. Nhất là vào thời điểm đầu tháng 7, sau thông tin TP.HCM và Đồng Nai chốt phương án vị trí xây cầu Cát Lái và thông tin sắp động thổ tuyến đường Vành đai 3, giao dịch nhà đất khu vực Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Xuân Lộc… đều có dấu hiện tăng nhiệt trở lại.

 

Chị Huyền Trang, một môi giới BĐS chuyên thị trường Nhơn Trạch chia sẻ, nhóm khách hàng đầu tư đổ về Nhơn Trạch tìm đất khá nhiều, dù không so được với giai đoạn cao điểm đầu năm nhưng hoạt động mua bán đã tốt hơn nhiều so với 2 tháng trước đó. Phần nhiều khách có nhu cầu tìm mua đất xung quanh khu vực xây dựng cầu Cát Lái và tiệm cận tuyến Vành đai 3 đi qua. Bên cạnh một số ít nhà đầu tư muốn săn quỹ đất lớn, đa phần nhu cầu mua ở giai đoạn này là các lô đất nền có tầm giá khoảng 2 tỷ đồng quay đầu. Yếu tố pháp lý được đưa lên đầu tiên vì xu hướng hiện nay thiên về đầu tư dài hạn. Do không chọn lướt sóng “ăn nhanh”, nên đánh giá về tiềm năng, vị trí và yêu cầu pháp lý gắc gat hơn cho mỗi sản phẩm xuống tiền.

 

 

Tương tự, anh Tú, một môi giới đất tự do đang chào bán đất nền tại Đồng Nai cho biết, ngoài Nhơn Trạch đang nóng theo thông tin hạ tầng, các địa phương khác ở Đồng Nai như Long Thành, Tân Phú, Long Khánh cũng rôm rả có giao dịch dù không nóng và rộn ràng như thời điểm đầu năm 2022. Giao dịch sôi động nhất thuộc về các lô đất nền có sổ tầm giá trên dưới 1,5 tỷ đồng.

 

“Dân đầu tư chuộng tìm đất thổ cư trong dân và thích tìm những dự án đất nền quy mô nhỏ, tầm 50-70 sản phẩm, triển khai trong các khu vực gần dân cư hiện hữu, hạ tầng hoàn thiện. Họ không có nhu cầu bán nhanh nên đánh giá tiềm năng dài hạn của sản phẩm, khu vực đầu tư rồi mới xuống tiền. Hầu hết đều xem đất nền như kênh trú ẩn an toàn, vừa đầu tư vừa tích lũy trong 2-3 năm để tránh giữ tiền mặt bị mất giá và cũng kỳ vọng đất vẫn sẽ sinh ra lợi nhuận tốt trong dài hạn. Đây đều là nhóm nhà đầu tư có dòng tài chính tốt, không sử dụng đòn bẩy quá nhiều”, anh Tú cho hay.

 

Dữ liệu lớn (big data) từ Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, dù tổng thể giao dịch nhà đất Đồng Nai có xu hướng chững lại, sức nóng với loại hình đất nền diện tích từ 100-200m2, tầm giá khoảng 20-30 triệu đồng/m2 vẫn tăng và được quam tâm tìm kiếm rất nhiều. Đặc biệt, tại các thị trường mới như Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, nhu cầu tìm kiếm đất nền giá mềm tăng mạnh từ 7-15% so với cùng kỳ. Từ giai đoạn tháng 5/2022 đến nay, mặt bằng giá BĐS Đồng Nai đang có xu hướng ổn định, không nhiều biến động nhưng nếu so sánh với cùng kỳ 2021, giá nhà đất Đồng Nai vẫn đang trên đà leo thang. Cụ thể, giá nhà đất TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom dù tăng “khiêm tốn” cũng vào khoảng 3-7%. Ở các địa phương giàu tiềm năng nhất Đồng Nai hiện nay là Long Thành và Nhơn Trạch, giá đất tăng trung bình 14-17%.

 

Nhìn nhận về nhà đất Đồng Nai, bà Trương Lệ Tâm, quản lý thị trường khu vực Đồng Nai của Batdongsan.com.vn cho biết, giao dịch nhà đất Đồng Nai tăng nhiệt trở lại thời gian qua một phần đến từ tâm lý của nhà đầu tư tích cực hơn sau thông tin xác định phương án vị trí xây cầu Cát Lái trong tháng 7 và Quốc hội chốt đầu tư đường vành đai 3. Thông tin này đã và đang tạo sóng cho thị trường BĐS các khu vực dự án hạ tầng này đi qua. Với BĐS tỉnh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đang được hưởng lợi từ dự án này. Đường Vành đai 3 là dự án giao thông quy mô lớn khi hoàn thành sẽ tạo động lực kinh tế lớn cho Đồng Nai nói riêng và toàn bộ 5 tỉnh thành vệ tinh khu Đông Nam Bộ nói chung.

 

Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc Bến Lức – Long Thành; Biên Hòa – Vũng Tàu; đại lộ Phạm Văn Đồng hay kéo dài tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đến TP. Biên Hòa… những chuyển biến hạ tầng đang mở ra nhiều tiềm năng cho thị trường BĐS Đồng Nai đột phá thời gian tới.

 

 

Bà Trương Lệ Tâm nhìn nhận, thị trường BĐS đã qua thời nóng sốt, mua bán đất nền vắng bóng dân lướt sóng, đầu cơ vì vậy mà giá đất nền Đồng Nai đang trong giai đoạn bình ổn. Ngoài ra, không ít nhà đầu tư “gãy sóng” đang chọn cách cắt lời để đẩy hàng nhanh, mở ra cơ hội cho những người mới đến sở hữu được BĐS với giá hợp lý. Đây là thời điểm thích hợp để tìm kiếm một sản phẩm đất nền tiềm năng tại Đồng Nai. Thực tế thị trường gần đây cũng cho thấy, giá đất nhiều huyện thành tại Đồng Nai đã không còn xu hướng nhảy múa, hỗn loạn như các đợt sốt nóng mà dần quay về với giá trị thực.

 

“Quỹ đất trung tâm TP.HCM đã cạn khiến xu hướng dịch chuyển về thị trường tỉnh là tất yếu. Sự bùng nổ của kỷ nguyên xe ô tô giúp nhiều người có tâm lý sẵn sàng đi xa hơn để hưởng thụ môi trường sống tốt hơn. Bên cạnh việc giao thông đến các khu vực như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Khánh ngày càng hoàn thiện, tốc độ đô thị hóa cao, chất lượng dịch vụ dân sinh ngày càng tốt cùng làn sóng công nghiệp bùng nổ khiến nhu cầu an cư tại Đồng Nai liên tục tăng, kéo theo giá trị BĐS không ngừng biến động”, bà Tâm cho biết thêm.

 

Theo một khảo sát của VARS, có tới 83% số người được hỏi cho rằng nên đầu tư BĐS như một công cụ đối phó với lạm phát. Giai đoạn tiền rẻ thực sự đã qua đi, dòng tiền đang cân nhắc với các kênh đầu tư. Các nhà đầu tư cá nhân và hộ gia đình đang sở hữu BĐS càng có nhu cầu nắm giữ thêm tài sản thay vì bán ra và thu tiền mặt. Do đó, sức ép lạm phát gia tăng càng thúc đẩy tâm lý mua BĐS để trú ẩn dòng tiền.

 

 

 

Liên quan