Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đề nghị giao VEC nghiên cứu đầu tư mở rộng mặt đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây lên 8-10 làn xe, tiến tới triển khai trong năm 2022 và hoàn thành năm 2026.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Đơn vị đánh giá phương án VEC nghiên cứu đầu tư theo hình thức huy động vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác là phương án mang tính thực tiễn và khả thi nhất.
Vì phương án này không sử dụng vốn đầu tư công, giảm thiểu áp lực đối với nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước; không tạo xung đột lợi ích (VEC đang chịu trách nhiệm quản lý khai thác, vận hành, bảo trì và thu phí); đảm bảo tính đồng bộ của toàn Dự án cũng như thời gian thực hiện đáp ứng được nhu cầu cấp bách hiện nay.
Với những lý do như trên, CMSC đề nghị Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của VEC, tiến tới chủ trì báo cáo Thủ tướng chấp thuận giao VEC nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Theo phương án của VEC, phạm vi mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là 21,92 km từ km 4 đến km 25 + 920 (nút giao vành đai 2 TP.HCM đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu).
Trong đó, đoạn từ nút giao vành đai 2 đến nút giao vành đai 3 (km 4 đến – km 8+770) sẽ mở rộng từ 4 lên 8 làn xe; đoạn từ nút giao vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (km 8+770 đến km 25+920) sẽ mở rộng từ 4 lên 10 làn xe theo quy hoạch.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là 14.786 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ quý 4 năm 2022 đến quý 1 năm 2026.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã phê duyệt cho VEC 1,3 tỉ đồng kinh phí nghiên cứu mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây .
Dự án cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có chiều dài 55,7km với bốn làn xe được đưa vào khai thác năm 2016, với tổng mức đầu tư 20.600 tỉ đồng. Thời gian qua lượng xe liên tục tăng cao, trung bình tăng hơn 10,45% mỗi năm. Các địa phương kiến nghị mở rộng, nâng cấp tuyến đường để khắc phục tình trạng quá tải, đảm bảo lưu thông trên tuyến đường huyết mạch.
Nguồn: Cafeland