Đông Nam bộ đóng góp rất quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Vùng cần tiếp tục khai thác tốt lợi thế, khắc phục hạn chế để tiếp tục phát huy vị thế trong thời gian tới.

 

Gồm 6 tỉnh, thành phố (TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước), Đông Nam bộ có tỷ lệ dân số thành thị cao nhất trong các vùng của cả nước (66,4%) và có tỷ suất di cư thuần (nhập cư nhiều hơn xuất cư) rất cao, lên đến 15,1%, đặc biệt là tại Bình Dương (30,8%) và TP.HCM (21,8%).

Năm 2022, tổng GDP của Đông Nam bộ chiếm 30,8% cả nước, trong đó TP.HCM đạt 63,7 tỷ USD; Bình Dương đạt trên 19,1 tỷ USD; Đồng Nai đạt 18,6 tỷ USD; Bà Rịa – Vũng Tàu đạt trên 16,8 tỷ USD… GDP bình quân đầu người toàn vùng đạt 6.900 USD, cao hơn mức bình quân của cả nước (4.110 USD), trong đó Bình Dương đạt 7.139 USD, TP.HCM đạt 6.770 USD…

Vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực trên địa bàn các tỉnh, thành phố Vùng Đông Nam bộ chiếm 40,4% cả nước. Đặc biệt, Vùng có 4 địa bàn nằm trong top 5 địa bàn thu hút đầu tư lớn nhất nước, trong đó TP.HCM đạt 55,1 tỷ USD, chiếm 10%.

Số doanh nghiệp đang hoạt động trong Vùng chiếm 41,2% cả nước, riêng TP.HCM chiếm 31,1%. Vùng có tổng thu ngân sách trên địa bàn rất cao, đóng góp lớn nhất cho ngân sách cả nước, trong đó, TP.HCM đứng thứ nhất.

Ngoài ra, Đông Nam bộ còn đứng thứ hạng cao về nhiều chỉ tiêu khác như tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa…

Một trong những điều kiện thuận lợi của Đông Nam bộ là vị trí địa kinh tế chiến lược kết nối các vùng kinh tế trong cả nước và giữa trong nước với thế giới. Vùng có hệ thống giao thông vận tải gồm đường bộ, đường thủy, cảng biển, đường sắt, đường hàng không, có khối lượng vận chuyển, luân chuyển hàng thông qua càng lớn nhất nước.

Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ, Đông Nam bộ có sức hút mạnh mẽ với nhiều nguồn lực, bao gồm cả vốn (trong nước và quốc tế), nhân lực, doanh nghiệp. Ngoài ra, còn một yếu tố không nhiều người đề cập, đó là tính thị trường, mở cửa hội nhập của Vùng và của một số địa bàn trong Vùng.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, Đông Nam bộ cũng còn một số vấn đề cần giải quyết.

Đó là, cần phát triển mạnh hơn khoa học – công nghệ, công nghiệp sạch, dịch vụ cao cấp, hình thành các trung tâm khoa học – công nghệ, trung tâm tài chính. Đây là vấn đề liên quan đến quy hoạch, cơ cấu kinh tế, xu hướng phát triển công nghiệp… Cách đây hơn 100 năm, Sài Gòn đã được vinh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. TP.HCM cần sớm lấy lại danh hiệu này ở trình độ cao hơn.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến nguy cơ biến đổi khí hậu, khi tình trạng ngập đang diễn ra trên diện rộng, kéo dài, chậm được khắc phục, không chỉ về ngăn ngập, thoát nước, mà cả trong xây dựng…

Ngoài ra, cần khẩn trương tăng cường xây dựng nhà ở xã hội để giúp một lượng lớn lao động nhập cư sớm ổn định cuộc sống, nhất là tại Bình Dương, TP.HCM. Hiện nay, diện tích nhà ở bình quân đầu người trong Vùng còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước (23,3 m2 so với 25,2 m2)…

Nguồn: Báo Đầu tư

Liên quan