Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66km gồm 11 km đi qua Đồng Nai; 55km qua Lâm Đồng, Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026.
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc theo phương thức PPP.
Theo đó, Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66km; tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án 6.500 tỉ đồng (ngân sách trung ương 2.000 tỉ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỉ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỉ đồng; và 9.095 tỉ đồng từ các nguồn huy động.
UBND tỉnh Lâm Đồng được giao nhiệm vụ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đơn vị đề xuất là liên danh các nhà đầu tư trong nước do Tập đoàn Đèo Cả làm đại diện. Dự án được đầu tư xây theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80km/h.
Trong giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có 4 làn xe, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026. Giai đoan hoàn chinh dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2035, bố trí thêm 2 làn dừng khẩn cấp bên cạnh 4 làn xe chính, mở rộng nền đường từ 17 m lên thành 22 m..
Tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc là đoạn giữa của tuyến cao tốc từ Dầu Giây đến Liên Khương được chia làm 3 dự án là Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương.
Khi hoàn thành, tuyến Tân Phú – Bảo Lộc sẽ góp phần kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian kết nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp dọc Quốc lộ 20.
Dự án còn góp phần cải thiện năng lực vận chuyển hàng hóa, thông thương, đối ngoại, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông cho Quốc lộ 20 đang quá tải, đặc biệt là các điểm đen tai nạn tại khu vực đèo Bảo Lộc.
Bên cạnh đó, Chính phủ đặt mục tiêu nhằm tạo động lực phát triển đột phá kinh tế – xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung; góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian, xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trở thành một vùng đô thị hiện đại.
Nguồn: Cafeland