Tuyến đường sắt Bàu Bàng (Bình Dương) – Mộc Bài (Tây Ninh), tuyến đường công nghiệp Bình Dương – Tây Ninh, Dự án đường và cầu kết nối Tây Ninh – Long An… nằm trong chiến lược kết nối – phát triển giữa Tây Ninh với các địa phương vùng Đông Nam Bộ.

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, ông Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã trình bày tham luận “Phát triển chuỗi công nghiệp – đô thị Mộc Bài – TP.HCM – cảng Cái Mép – Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á”.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối, giao thương, trung chuyển hàng hoá, dịch vụ, kết nối du lịch với Vương quốc Campuchia và Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), đồng thời có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của đất nước.

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có đủ dư địa và điều kiện cần thiết để phát triển theo mô hình công nghiệp – đô thị – dịch vụ hiện đại, xanh, bền vững và trở thành điểm kết nối quan trọng vào sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

“Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển sẽ tạo ra nguồn lực, động lực và tiềm lực về kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại quốc gia trên tuyến biên giới phía Tây Nam”, ông Nguyễn Thanh Ngọc nói.

Bên cạnh tiềm năng, lợi thế, cơ hội lớn để phát triển, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo mô hình mới công nghiệp – đô thị – dịch vụ hiện đại, xanh, bền vững, cũng đặt ra những khó khăn, thách thức.

Đó là việc hoàn thiện và phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng kết nối; cơ chế, chính sách vượt trội; việc thu hút và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

Liên quan đến cơ sở hạ tầng giao thông, người đứng đầu chính quyền Tây Ninh cho biết, nhằm cụ thể các chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa các tỉnh, thành trong vùng. Tây Ninh đang từng bước thực hiện chiến lược kết nối và phát triển Bình Dương – Tây Ninh.

Cụ thể, đầu tư tuyến đường sắt Bàu Bàng (Bình Dương) – Mộc Bài (Tây Ninh) với chiều dài khoảng 57 km, tuyến đường công nghiệp Bình Dương – Tây Ninh với chiều dài khoảng 22km, Khu Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ Bến Củi và Khu Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ Thạnh Đức.

Các dự án này sau khi được hoàn thành sẽ tạo đột phá để Tây Ninh phát triển bền vững với hành lang kinh tế công nghiệp – đô thị – logistics, lan tỏa phát triển từ Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

Bên cạnh đó, Tây Ninh và tỉnh Long An sẽ thực hiện các tuyến giao thông quan trọng như: Dự án đường và cầu kết nối Tây Ninh – Long An sẽ được 2 tỉnh triển khai với quy mô tiêu chuẩn đường cấp III, IV đồng bằng, tổng mức đầu tư hơn 550 tỷ đồng, mở ra tuyến kết nối từ Long An đến cửa khẩu Mộc Bài – Tây Ninh, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện kết nối người dân hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông.

Tây Ninh và Long An kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nâng tĩnh không cầu Bến Lức trên Quốc lộ 1 đạt tiêu chuẩn luồng cấp II để phát triển, nâng cao năng lực vận tải đường thủy nội địa gắn với phát triển hệ thống cảng đường sông – dịch vụ logistics.

Đồng thời, kiến nghị Bộ GTVT thực hiện Dự án nạo vét, chỉnh trang, nâng cấp luồng sông Sài Gòn; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành liên quan sớm triển khai thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia và cơ chế hải quan một cửa ASEAN tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài – Bavet theo hiệp định về tạo thuận lợi cho hàng hoá, người và phương tiện qua lại biên giới giữa các nước trong tiểu vùng sông Mêkông mở rộng.

6 tháng cuối năm 2023, Tây Ninh tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch hoạt động của Hội đồng điều phối vùng; Hoàn thành Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài để trình Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp với TP.HCM đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.

Nguồn: Báo Công Lý

Liên quan