Nghị quyết 98 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8 là cơ hội để TP.HCM từng bước hiện thực hóa gần 200 km đường sắt đô thị trong 12 năm tới.

Chiều 31-7, Ban quản lý đường sắt đô thị (ĐSĐT – MAUR) đã phối hợp với Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP (HFIC) và Viện Nghiên cứu phát triển (HIDS) tổ chức tọa đàm “Kết luận 49 và Nghị quyết 98 – Cơ hội và thách thức cho ĐSĐT TP.HCM”. Tại đây, MAUR đã chỉ ra những khó khăn, thách thức và cả những cơ hội từ Nghị quyết 98 để TP.HCM hoàn thành hơn 200 km ĐSĐT vào năm 2035.

 

Nghị quyết 98: Cơ hội lớn cho TP.HCM

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng ban phụ trách MAUR, cho biết Bộ Chính trị đã có Kết luận 49 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Bộ Chính trị chỉ đạo TP.HCM hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT vào năm 2035.

Theo đó, trong 12 năm tiếp theo, TP phải hoàn thành các tuyến đường sắt còn lại với chiều dài hơn 200 km, chưa kể các tuyến (chắc chắn) sẽ được bổ sung vào đồ án quy hoạch chung trong thời gian tới.

Theo ông Hiển, mới đây nhất, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và nghị quyết có hiệu lực từ hôm nay (1-8). Đây là một cơ hội, công cụ vô cùng lớn đối với TP nói chung và lĩnh vực hạ tầng giao thông trọng yếu, đặc biệt là với tuyến ĐSĐT. Tuy nhiên, công cụ này là chưa đủ. Vì vậy, UBND TP đã chỉ đạo MAUR phối hợp với các đơn vị thành lập tổ xây dựng đề án triển khai Kết luận 49 do chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng.

Ông Hiển cho biết đề án này sẽ được báo cáo lên Bộ Chính trị và Quốc hội nhằm đưa ra các đề xuất để đẩy nhanh quá trình tìm kiếm nguồn vốn, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, tiến độ thi công. Đó sẽ là cơ sở cho việc hoàn thành nhanh mục tiêu của Kết luận 49 đối với ĐSĐT TP.HCM.

“Sắp tới, TP sẽ cần huy động nhiều sức mạnh, trí tuệ từ các cơ quan, đơn vị và các chuyên gia độc lập. Đây cũng chính là lý do để chúng tôi, cùng HIDS và HFIC tổ chức buổi tọa đàm để tiếp thu những chia sẻ, góc nhìn từ các đơn vị, chuyên gia” – ông Hiển nhấn mạnh.

 

Cần có cách làm đột phá và khác biệt

Ông Hoàng Ngọc Tuân, Quyền Giám đốc Ban chuẩn bị đầu tư thuộc MAUR, cho biết hiện nay các tuyến ĐSĐT ở TP đều sử dụng vốn ODA, có suất đầu tư cao, triển khai chậm và việc vay ODA ngày càng khó khăn. Kết luận 49 đã yêu cầu hoàn thành ĐSĐT vào năm 2035, như vậy chỉ còn 12 năm nữa TP phải hoàn thiện hơn 200 km. Đây là cơ hội lịch sử cho ngành đường sắt cho TP và người dân cả nước, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 98 đã mở ra cho TP phát triển theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng nhanh và có sức chở lớn (TOD) và cho phép phát hành trái phiếu để kêu gọi đầu tư. Vì vậy, MAUR đưa ra các nhiệm vụ cần triển khai nhanh gồm quy hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB); nguồn lực tài chính; thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án; tiêu chuẩn, giải pháp công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị…

Với các nhiệm vụ trên, ông Tuân cho rằng TP phải thực hiện công tác quy hoạch, thu hồi đất và GPMB cho toàn bộ hệ thống ĐSĐT trong vòng 4-5 năm (chậm nhất phải hoàn thành vào năm 2028).

Góp ý tại tọa đàm, TS Trần Du Lịch cho biết để thực hiện Kết luận 49 hoàn thành hơn 200 km ĐSĐT vào năm 2035 đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao. TS Trần Du Lịch cho rằng nếu đầu tư metro từ nguồn ODA sẽ có suất đầu tư rất cao. Và nếu làm TOD cho metro thì phải tính toán, định giá, cơ chế… vì vậy MAUR cần xây dựng đề án tổng thể hệ thống ĐSĐT TP.HCM. Đề án này phải trình Bộ Chính trị, Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Khi đó, TP sẽ rút kinh nghiệm từ nguồn vốn, hình thức, kinh nghiệm để đầu tư hệ thống ĐSĐT.

“TP dự kiến mở rộng thêm mấy trăm cây số ĐSĐT nữa nên cần sớm đưa vào quy hoạch, tránh tạo thành những tuyến “con rơi” và các tuyến cần kết nối với cả vùng Đông Nam Bộ. Từ đó, tích hợp với cả vùng để khi Quốc hội thông qua đề án, chúng ta không phải bàn thêm gì nữa” – TS Trần Du Lịch nói.

Các dự án ĐSĐT sử dụng vốn ODA sẽ bị phụ thuộc từ thiết kế và công nghệ. Nếu tiếp tục lệ thuộc vào vốn ODA thực sự không ổn và nếu cộng tất cả phí vào thì lãi vay ODA sẽ rất cao. Vì vậy, cần đề xuất nhiều cơ chế đột phá từ quy hoạch, đặc biệt cần chú trọng vào nguồn tài chính mới có thể hoàn thiện được hơn 200 km ĐSĐT. Để làm được điều này cần đa dạng hóa nguồn lực tài chính như huy động vốn trong nước, ngoài nước, vốn ngân sách nhà nước…

Bà LÊ NGỌC THÙY TRANG, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP (HFIC)

20 năm qua TP.HCM mới hoàn thành 20 km ĐSĐT, vậy 12 năm tới TP sẽ triển khai hoàn thành hơn 200 km ra sao. TP.HCM đã đưa ra nhiều nhóm nhiệm vụ để thực hiện thông qua Nghị quyết 98, tuy nhiên, TP cần đưa ra các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn để thực hiện. Ví dụ, tuyến metro số 1, số 2 có thể khai thác TOD luôn được không, sau đó mới đi tới từng nhóm giải pháp khác.

Ngoài ra, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ phục vụ TP.HCM là chủ yếu, vậy TP sẽ đề xuất kết nối với sân bay này ra sao. MAUR cũng cần nghiên cứu phương án kết nối để trình UBND TP trong thời gian tới.

Ông ĐỖ NGỌC LONG, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát, Bộ KH&ĐT

Nguồn: Pháp Luật Online

Liên quan