Để bắt kịp tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành cần sớm được đầu tư xây dựng.
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành là tuyến chở khách, có tính chất đường sắt đô thị nội vùng.
* Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng
Theo quyết định phê duyệt dự án của Chính phủ, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ có quy mô 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách, công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Hiện nay, dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đang được triển khai xây dựng với hàng loạt hạng mục quan trọng như: nhà ga hành khách; đường cất, hạ cánh; sân đỗ tàu bay sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 8 và 9 tới.
Để phục vụ kết nối sân bay Long Thành, hàng loạt dự án giao thông khác đã và đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều dự án giao thông đường bộ như các tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, Phan Thiết – Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu, đường vành đai 3 – TP.HCM, mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Khi các dự án này đưa vào khai thác, cơ bản đáp ứng việc kết nối hệ thống giao thông đường bộ với sân bay Long Thành.
Tuy nhiên, để phát huy lợi thế và tăng khả năng kết nối của sân bay Long Thành với TP.HCM, đồng thời chia sẻ áp lực lưu lượng cho hệ thống giao thông đường bộ thì việc sớm triển khai dự án Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành là rất cần thiết.
Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành nếu được triển khai sớm và hoàn thành đồng bộ với dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ đáp ứng nhu cầu rất lớn về đi lại của hành khách từ sân bay Long Thành đến TP.HCM và ngược lại.
Ngày 7-7 vừa qua, tại hội nghị trao đổi hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ 2, Sở GT-VT TP.HCM đã đề nghị lãnh đạo các địa phương thống nhất kiến nghị Bộ GT-VT đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành.
Về phía tỉnh Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia, cần triển khai phù hợp; đồng thời, kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện để đạt kết quả cùng thời gian với việc khai thác sân bay Long Thành giai đoạn 1.
* Đề xuất đầu tư công
Theo Bộ GT-VT, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành có chức năng vận chuyển hành khách như một tuyến đường sắt đô thị, kết nối liên vùng.
Theo Sở GT-VT TP.HCM, đối với đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu thêm các phương án kết nối đường sắt giữa các cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cập nhật trong việc điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM.
Trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg năm 2021, đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành là dự án trong danh mục dự án quan trọng quốc gia, ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đô thị liên vùng.
Tuyến được quy hoạch dài 38km, khổ 1.435mm, kết nối giữa sân bay Long Thành và Thủ Thiêm (TP.HCM), chủ yếu phục vụ vận tải hành khách giữa trung tâm TP.HCM với sân bay Long Thành. Tuyến kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam tại Thủ Thiêm.
Tại báo cáo đầu kỳ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, tư vấn xin ý kiến hướng tuyến gồm: điểm đầu là ga Thủ Thiêm (P.An Phú, Q.2, TP.HCM), điểm cuối là ga sân bay Long Thành. Chiều dài tuyến là hơn 37,3km, trong đó đi qua TP.HCM gần 12km và qua Đồng Nai hơn 25km.
Về hình thức đầu tư, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Cụ thể, theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào đầu tháng
11-2021, dự án Tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành là một trong những dự án được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư.
Tuy nhiên, tại hội nghị trao đổi hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ 2, lãnh đạo Sở GT-VT TP.HCM kiến nghị để sớm đầu tư xây dựng, dự án cần triển khai bằng nguồn vốn ngân sách. Theo Sở GT-VT TP.HCM, Bộ GT-VT đang nghiên cứu và có thể nghiên cứu xong thì kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, đường sắt mà kêu gọi đầu tư bằng PPP thì rất khó. Cho nên, giống như tuyến đường vành đai 3 – TP.HCM, có thể ưu tiên sử dụng vốn đầu tư công cho dự án này.
Nguồn: Báo Đồng Nai