Ngày 18/6, dự án Vành đai 3 TP.HCM với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng sẽ chính thức khởi công sau một năm Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Tương tự, dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cũng đã được khởi động.
Theo ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) dự kiến sáng 18/6, dự án Vành đai 3 sẽ chính thức được ‘bấm nút’ khởi công. Hiện Ban Giao thông và các địa phương đang nỗ lực hơn nữa để kịp tiến độ và có nhiều mặt bằng hơn phục vụ dự án.
“Để dự án đủ điều kiện khởi công, giải phóng mặt bằng (GPMB) phải đảm bảo 70% nhưng hiện nay mới ngày 7/6, toàn TP.HCM tổng diện tích thu hồi đã đạt 335 ha/410 ha, chiếm 81,8% tỷ lệ. Trong đó địa bàn Hóc Môn tỷ lệ bàn giao mặt bằng dẫn đầu khi đạt 93%, huyện Bình Chánh đạt 86%, huyện Củ Chi đạt trên 77%.
Đây là tính hiệu rất vui, chưa có dự án nào có tốc độ bàn giao mặt bằng nhanh như vậy. Có được thành công lớn này là nhờ sự đồng hành, ủng hộ của người dân cũng như sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng TP”, ông Phúc nhấn mạnh.
Giám đốc Ban giao thông cho biết hiện các nhà thầu, tư vấn đang sẵn sàng triển khai thi công đồng bộ dự án tại 4 địa phương gồm TP Thủ Đức và ba huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh. Riêng ba tỉnh còn lại Bình Dương, Đồng Nai, Long An thì tiến độ có thể chậm hơn nhưng cũng đang phấn đấu khởi công trước 30/6 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Ông Phúc nhìn nhận những thách thức khó khăn còn nằm ở phía trước. Trong đó, theo tiến độ thì công tác GPMB phải đảm bảo hoàn tất 100% cuối năm nay. Tiếp theo là tổ chức thi công đảm bảo chất lượng tiến độ hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đề ra. Song song đó, việc triển khai dự án qua địa bàn TP phải đảm bảo chất lượng tiến độ cũng phải đồng bộ với các tỉnh khác.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trong số này, hơn 41.500 tỷ chi cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và gần 26.000 tỷ cho xây dựng và thiết bị. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023, hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2026.
Dự án chính thức được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào ngày 16/6/2022 với tổng chiều dài 76,3 km (đoạn qua TP.HCM 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km).
Điểm đầu của dự án là nút giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành (thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực.
Khởi công dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu
Thông tin từ UBND Đồng Nai, dự án thành phần 1 thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 sẽ do UBND Đồng Nai làm chủ đầu tư sẽ khởi công vào ngày 18/6 tới.
Tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài 53,7 km, quy mô 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng. Dự án này chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 và 2 dài 34,2 km, thực hiện tại Đồng Nai, với tổng kinh phí hơn 12.600 tỷ đồng.
Điểm đầu của dự án tại Km0+00 kết nối với đường tránh QL1A qua TP Biên Hoà, điểm cuối tại Km16+00 tại xã Long An, huyện Long Thành kết nối với điểm đầu dự án thành phần 2. Trong giai đoạn 1, dự án thành phần 1 được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m với vận tốc 100km/giờ.
Theo kế hoạch được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành, trong ngày 18/6, tỉnh cũng khởi công dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1). Dự án Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua Bà Rịa – Vũng Tàu dài 19,5 km, vốn đầu tư hơn 5.100 tỷ đồng. Trong đó, đoạn đi qua thị xã Phú Mỹ dài 15,5 km, điểm cuối qua TP Bà Rịa dài 4 km. Chi phí giải phóng mắt bằng hơn 1.300 tỷ đồng, địa phương chi 670 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để cùng tham gia. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2025.
Nguồn: Vietnamnet