Vật liệu cát đắp nền cho dự án Vành đai 3 hiện đáp ứng gần 6 triệu m3, chiếm hơn 80% nhu cầu toàn tuyến, đủ phục vụ thi công gần ba năm.
Thông tin được ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (TCIP – chủ đầu tư dự án xây lắp trên địa bàn thành phố), cho biết chiều 11/5, sau khi tổ công tác vật liệu liên tỉnh tuyến Vành đai 3 cung cấp số liệu. UBND thành phố là cơ quan điều phối chung dự án.
Tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án khoảng 7,2 triệu m3 – nhiều nhất trong tất cả loại vật liệu xây dựng tuyến đường. Đây cũng là loại vật liệu gặp khó nhất về nguồn cung vì trữ lượng lớn, trong khi các loại đất đắp nền và cát, đá xây dựng đến nay đã cơ bản đủ.
Theo ông Phúc, nguồn cát đắp cho tuyến vành đai hiện được tổ công tác vật liệu báo cáo đáp ứng khoảng 5,8 triệu m3, sẵn sàng để khởi công dự án vào tháng 6 tới. Trữ lượng này sẽ đủ phục vụ thi công tuyến đường đến đầu năm 2025. Các địa phương sẽ làm việc với Bộ Tài nguyên Môi trường nhằm hoàn tất thủ tục, cung cấp phần còn thiếu khoảng 1,4 triệu m3 cho dự án.
Trước đó để đảm bảo nguồn cát đắp cho Vành đai 3, TP HCM kiến nghị Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang hỗ trợ, chia sẻ nguồn vật liệu cho dự án. Nguồn cát ở hồ Dầu Tiếng cũng đã được tính đến.
Lãnh đạo TCIP cho biết đối với đoạn Vành đai 3 trên địa bàn TP HCM, cuối tháng 6 sẽ khởi công trước 4 gói thầu xây lắp. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật những gói này đã được Sở Giao thông Vận tải thẩm định và TCIP cũng đã phê duyệt. Chủ đầu tư đang chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn và ký hợp đồng để khởi công công trình.
Song song các phần việc trên, hiện 4 địa phương ở TP HCM có tuyến vành đai đi qua, gồm: TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh, đang tiến hành chi trả tiền đền bù đợt một cho các hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án. TCIP đã chuyển hơn 5.600 tỷ đồng để phục vụ công tác bồi thường. Thành phố đề ra mục tiêu bàn giao ít nhất 70% mặt bằng để đảm bảo triển khai công trình theo kế hoạch.
Toàn tuyến Vành đai 3 đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, đầu tư giai đoạn một với chiều dài hơn 76 km, tổng vốn hơn 75.300 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2026, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh thành tuyến đi qua mà tác động cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nguồn: VnExpress