Thị trường bất động sản đang đón nhận nhiều yếu tố tích cực từ vĩ mô và dịch bệnh đã được khống chế tạm thời. Từ đó, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới nguồn cung cũng sẽ tăng lên.

 

 

 

Nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường

Theo các chuyên gia, hiện thị trường bất động sản có xu hướng tích cực hơn trong những tháng cuối năm. Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, có nhiều yếu tố vĩ mô thúc đẩy thị trường bất động sản trong thời gian tới. Trong đó, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội được đẩy nhanh sẽ tạo cơ hội cho bất động sản và xây dựng.

 

Các yếu tố cơ hội khác bao gồm: quy hoạch được quan tâm, đầu tư hạ tầng được coi là một trong 3 đột phá chiến lược; đầu tư công được thúc đẩy; Chiến lược Phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 đặt mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội…

 

Đồng tình ý kiến của chuyên gia Cấn Văn Lực, ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch BHS Group nhận định, có 4 yếu tố tác động tích cực đến thị trường. Cụ thể, kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm, lượng vốn FDI tăng cao; dịch bệnh được khống chế, người dân được di chuyển thuận lợi, khả năng tiếp cận, tham gia thị trường dễ dàng hơn; du lịch hồi phục; đầu tư công được đẩy mạnh.

 

Về nguồn cung, đây vẫn là điểm nghẽn lớn nhất của thị trường thời gian qua, bà Dương Thùy Dung – Giám đốc cấp cao CBRE nhận định, sau 3 năm khan hiếm, nguồn cung sản phẩm ở cả Hà Nội và TP. HCM sẽ dồi dào. Từ nay đến năm 2025, các chủ đầu tư sẽ đưa ra thị trường những dự án mới mà họ đã chào bán. Giá tiếp tục tăng, nhưng không quá cao.

 

Khi nói về dòng vốn, TS. Cấn Văn Lực cho biết, tổng lượng vốn tung ra thị trường bất động sản trong 7 tháng đầu năm 2022 khoảng 420.000 tỷ đồng. Nếu từ nay đến cuối năm thuận lợi, lượng vốn cho thị trường bất động sản cả năm sẽ khoảng 800.000 tỷ đồng.

 

Lối đi cho các nhà đầu tư

 

Đề cập xu hướng thị trường trong nửa cuối năm 2022 và những năm tới, bà Dương Thùy Dung cho rằng, thị trường có xu hướng hình thành các đô thị và đại đô thị có quy mô từ 70ha trở lên ở vùng ven. Hà Nội đang dẫn đầu hướng này nhờ khả năng kết nối tốt các khu vực vùng ven với trung tâm.

 

Còn tại TP. HCM, đến nay mới chỉ có 2 tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây và TPHCM – Trung Lương, nên các dự án mới tập trung ở 2 đường vành đai này. Trong tương lai, xu thế các dự án sẽ mở rộng sang khu vực Đồng Nai, Long An.

 

Nhận định về cơ hội đầu tư, theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực sẽ lên ngôi; bất động sản công nghiệp, phụ trợ khu công nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển. Ông Tuyển khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm đến bất động sản ở những nơi có liên kết vùng, “thủ phủ” công nghiệp, như: TPHCM – Bình Thuận – Vũng Tàu; TPHCM – Bình Dương – Đồng Nai; Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Hà Nội – Bắc Ninh – Bắc Giang.

 

 

Liên quan