Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 TP HCM và ba cao tốc phía Nam, tổng vốn đầu tư 245.000 tỷ đồng.

 

Sáng 16/6, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 vùng thủ đô. Tuyến đường dài 112,8 km, chia làm 7 dự án thành phần, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; nhu cầu sử dụng đất hơn 1.300 ha. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng.

 

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.800 tỷ đồng. Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm hơn 19.380 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 22.470 tỷ đồng (Hà Nội hơn 19.470 tỷ; Hưng Yên 1.000 tỷ; Bắc Ninh 2.000 tỷ).

 

Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 hơn 14.500 tỷ đồng, bao gồm 8.790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương; nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 5.710 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp hơn 29.440 tỷ đồng.

 

 

Dự án được chuẩn bị đầu tư từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026, khai thác năm 2027. UBND TP Hà Nội là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án. Trong hai năm kể từ khi nghị quyết được thông qua, Quốc hội cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong thời gian này, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

 

Việc triển khai dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt. Đơn cử điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 14.250 tỷ đồng, bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải giao về các địa phương; cho phép sử dụng phần vốn nhà nước tham gia tối đa 66% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án.

 

Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM. Tuyến đường dài 76 km, đi qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, chia thành 8 dự án thành phần, theo hình thức đầu tư công; nhu cầu sử dụng đất 640 ha. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng.

 

Tổng vốn đầu tư dự án là 75.300 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách giai đoạn 2021-2025 là 61.000 tỷ đồng; ngân sách giai đoạn 2026-2030 là 14.300 tỷ đồng. Dự án chuẩn bị đầu tư từ năm nay, cơ bản hoàn thành năm 2025, khai thác năm 2026.

 

UBND TP HCM là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án. Trong hai năm từ khi nghị quyết được thông qua, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nhà thầu không phải làm thủ tục cấp phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

 

 

 

Việc triển khai, thực hiện dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt như điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hơn 17.140 tỷ đồng, đã bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải giao về các địa phương để thực hiện dự án. Trong đó, TP HCM là hơn 10.620 tỷ đồng, Đồng Nai 850 tỷ đồng, Bình Dương 4.260 tỷ đồng, Long An 1.390 tỷ đồng. Quốc hội cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.

 

Chính phủ có nhiệm vụ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án (không bao gồm đường song hành, đường đô thị), hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư dự án.

 

Cũng trong sáng nay, Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng giai đoạn một ba tuyến cao tốc phía Nam với tổng vốn đầu tư 84.000 tỷ đồng.

 

Trong đó, tuyến Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn một dài 117 km, sử dụng hơn 930 ha đất; tổng mức đầu tư gần 30.000 tỷ đồng từ ngân sách. Một số đoạn có lưu lượng lớn sẽ hoàn thành năm 2025; hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào sử dụng 2027. Tuyến cao tốc này nhằm hình thành trục ngang kết nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung bộ; kết nối với các trục dọc, trung tâm kinh tế, cảng biển.

 

 

 

Dự án xây dựng cao tốc Biên Hòa – Vùng Tàu giai đoạn một dài gần 54 km, sử dụng 500 ha đất; tổng vốn 17.800 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công. Tuyến đường được kỳ vọng khi hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ với cao tốc Bắc Nam phía Đông, sân bay Long Thành.

 

Tuyến đường sẽ phát huy tối đa tiềm năng cảng biển Cái Mép – Thị Vải; tạo động lực và không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ. Dự án hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác năm 2026.

 

Tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn một dài 188 km; sử dụng 1.200 ha đất; tổng vốn 44.600 tỷ đồng, từ ngân sách. Mục tiêu của tuyến đường nhằm hình thành trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, qua Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng.

 

Dự án hoàn thành một số đoạn năm 2025; hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào sử dụng một năm sau đó. Tuyến đường được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu vận tải hành lang kinh tế Tây Bắc – Đông Nam; tạo động lực phát triển đồng bằng sông Cửu Long.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Liên quan