Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có năm tuyến đường cao tốc đi qua. Trong số này, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2015. Hai dự án khác đã được khởi công xây dựng gồm cao tốc Bến Lức – Long Thành và Phan Thiết – Dầu Giây. Các dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Dầu Giây – Liên Khương cũng đang được Đồng Nai và các tỉnh liên quan họp để thống nhất xây dựng.

 

Đề xuất xây hai tuyến cao tốc

 

Mới đây, Bộ GTVT đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cao tốc Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn 1 và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 để tổ chức thẩm định, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

 

 

Theo Bộ GTVT, cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có tổng chiều dài khoảng 60 km, với điểm đầu kết nối với quốc lộ (QL) 1 tại điểm trùng với cuối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, thuộc địa phận huyện Thống Nhất. Điểm cuối tại vị trí giao cắt với QL20 thuộc địa phận huyện Tân Phú (kết nối với dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc). Dự án được phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô bốn làn xe, chiều rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.

 

Cũng theo đề xuất của Bộ GTVT, dự án này có tổng mức đầu tư hơn 8,3 ngàn tỉ đồng và sẽ được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP – hợp đồng BOT). Trong đó, phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp là hơn 7.000 tỉ đồng; phần vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 1,3 ngàn tỉ đồng. Phần vốn nhà nước tham gia vào dự án sẽ thực hiện chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư (TĐC), hỗ trợ xây dựng công trình.

 

Đối với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, tháng 9-2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 1 của dự án. Đến đầu năm 2022, Bộ GTVT có tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trong đó đề xuất sử dụng hơn 17,8 ngàn tỉ đồng từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng.

 

Bộ GTVT kiến nghị sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025, với nhu cầu sử dụng vốn ước tính khoảng 14,2 ngàn tỉ đồng (khoảng 80% tổng mức đầu tư). Số vốn này đã dự kiến phân bổ hơn 5,3 ngàn tỉ đồng trong tổng số kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT đã được Quốc hội thông qua. Cùng với đó, sử dụng khoảng 3,5 ngàn tỉ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và kiến nghị bố trí từ nguồn chưa phân bổ và nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của cả nước khoảng 5,4 ngàn tỉ đồng.

Sẽ có thêm hơn 180 km đường cao tốc

 

Tháng 10-2009, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được khởi công xây dựng. Sau khi khai thác từng đoạn, đến tháng 2-2015, toàn bộ tuyến đường cao tốc dài 51 km được đưa vào khai thác. Với dự án này, Đồng Nai chính thức có khoảng 40 km đường cao tốc đầu tiên đi qua địa bàn.

 

Bên cạnh đó, hiện có hai dự án đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh đang được thi công gồm cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành. Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành khởi công đầu năm 2015. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2020 nhưng do khó khăn về nguồn vốn, dự án hiện mới chỉ hoàn thành khoảng 84% tổng khối lượng. Hiện nay, tiến độ dự án đã được Thủ tướng gia hạn hoàn thành đến ngày 31-12-2023.

 

Nếu được các cấp thẩm quyền tháo gỡ khó khăn về cơ chế bố trí vốn, dự án này hoàn thành đúng tiến độ đã được gia hạn, đến cuối năm 2023 Đồng Nai sẽ có thêm gần 77 km đường cao tốc. Trong số này có hơn 25 km từ dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành và hơn 51 km từ dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.

 

Trong khi đó, đối với ba dự án đường cao tốc đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư gồm Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn 1 và Tân Phú – Bảo Lộc khi hoàn thành xây dựng cũng sẽ đóng góp thêm cho Đồng Nai hơn 105 km đường cao tốc.

 

Đối với đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan và UBND hai tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai vào cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu phải khởi công dự án trong tháng 10-2022 và hoàn thành trong năm 2025. Với hai tuyến cao tốc còn lại gồm Biên Hòa – Vũng Tàu và Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn 1, Bộ GTVT đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành xây dựng vào năm 2025.•

 

 

 

 

 

Liên quan